Người giàu Việt Nam - Người đi "ngược dòng" chứng khoán

10/11/2009 02:17 GMT+7

Bà Phạm Minh Hương gia nhập ngành chứng khoán khi thị trường ở vào thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử (tháng 9.2003): giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ vài tỉ đồng, VN-Index chỉ còn 137 điểm. Cũng vào thời điểm đó, bà Hương lại thực hiện vụ đầu tư lớn nhất của đời mình...

Rời Citibank khi đang ở vị trí Giám đốc vốn và kinh doanh ngoại hối đồng thời là thành viên Ban chiến lược của Citibank Việt Nam, quyết định đến với chứng khoán của bà Hương dường như là "thiếu tỉnh táo". Vào thời điểm đó, nhân sự từ ngành chứng khoán đang bỏ đi ào ạt bởi thị trường khủng hoảng rất trầm trọng.

Cưỡi lên lưng hổ

Gia nhập Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) với cương vị Tổng giám đốc, bà Hương còn thực hiện thêm một quyết định quan trọng: đem toàn bộ số tiền dành dụm được sau nhiều năm làm việc tại Citibank để mua lại cổ phần SSI của một cổ đông sáng lập. Bà Hương sau đó còn tiếp tục mua thêm cổ phần SSI từ các cổ đông khác dù lúc đó tình hình kinh doanh tại SSI cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung cực kỳ ảm đạm.

Một nhà đầu tư rất nổi tiếng đã nói: khi thị trường sợ hãi thì mình nên tham lam và ngược lại. Tôi và các đồng nghiệp của mình chỉ hành động theo lời khuyên đó thôi
Bà Phạm Minh Hương

Lúc đó, không có nhiều người đánh giá cao quyết định đầu tư "ngược dòng" của bà Hương bởi chẳng có mấy ai tin về triển vọng sáng sủa của TTCK. Còn bà Hương thì cho biết: "Trước đó thì mình nghĩ thị trường không đến nỗi tệ thế. Khi vào cuộc mới biết là mình bị cưỡi lên lưng hổ rồi, phải đi tiếp thôi chứ chẳng còn cách nào khác". Còn về quyết định đầu tư toàn bộ tài sản tích góp được vào SSI, bà Hương nói: "Khi thị trường tồi tệ nhất cũng là thời điểm đầu tư dài hạn tốt nhất nếu bạn chọn đúng cổ phiếu tốt và tin tưởng vào quyết định của mình".

Chỉ sau một năm làm việc tại đây, bà Hương đã đưa về và tuyển dụng mới khá nhiều nhân sự quan trọng - những người giúp tạo nên một cuộc cách mạng tại SSI và dịch vụ tư vấn trên TTCK. Trước đó, dịch vụ tư vấn niêm yết và tư vấn cổ phần hóa vốn là thứ "làm phép" (các công ty chứng khoán chủ yếu chỉ lo thủ tục giấy tờ) và mức phí được tính có tên "tự sát" (chi phí phải bỏ ra cao hơn nhiều so với mức phí thu được).

Thế nhưng, sau hơn 1 năm với rất nhiều hoạt động được coi là "hơi điên rồ" (vào thời điểm đó) như thực hiện tới 4 cuộc hội thảo về cổ phần hóa cho nhân viên của một công ty nhà nước trước khi tư vấn cổ phần hóa..., tình hình đã thay đổi. Tư vấn cổ phần hóa, tư vấn niêm yết trở thành một dịch vụ đặc biệt của SSI mà bà Hương phải từ chối khá nhiều lời đề nghị tư vấn bởi đội ngũ SSI không đủ người để làm; mức phí tư vấn cũng khác trước hoàn toàn...

Sau hơn 2 năm kể từ khi bà Hương tới đây, cuối năm 2005, SSI đã trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu, bỏ rất xa nhiều công ty chứng khoán khác về thị phần môi giới cũng như thị phần tư vấn niêm yết, tư vấn tài chính... Vào thời điểm đó, bà Hương cũng nắm giữ số cổ phiếu của SSI gần bằng với vị Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này. Trong lúc SSI đang phát triển như vũ bão với ảnh hưởng cực lớn trên TTCK, bà Hương đột ngột rời SSI để thành lập Công ty đầu tư I.P.A và sau đó là một CTCK mới có tên VNDirect.

Lại "ngược dòng"

Năm 2008, TTCK lại rơi vào một đợt khủng khoảng rất lớn, tất cả các CTCK lẫn công ty đầu tư đều lỗ nghiêm trọng. Tháng 2.2009, TTCK ở trong tình cảnh gần như thời điểm tháng 9.2003, lúc bà Hương gia nhập ngành chứng khoán, không ít người còn nghĩ đến một sự hoảng loạn dây chuyền. Thế nhưng, bà Hương là một trong các chuyên gia chứng khoán hiếm hoi tin tưởng vào sự hồi phục với lý do: "Kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đã xuống đến đáy rồi, chỉ có con đường đi lên thôi và TTCK cũng vậy".

Đầu năm 2009, vào thời điểm VN-Index chỉ còn 240 điểm, tại một buổi tọa đàm của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán về triển vọng của TTCK, bà Hương là chuyên gia duy nhất phát biểu một cách lạc quan rằng thị trường sẽ đi lên. Cùng với nhận định đó, bà Hương cũng như các cộng sự của mình tại CTCK VNDirect cũng như Tập đoàn đầu tư IPA cũng quyết định thực hiện các khoản đầu tư quan trọng vào các cổ phiếu được đánh giá là có triển vọng kinh doanh tăng trưởng bền vững.

Ngoài chuyện “ngược dòng” về đầu tư, CTCK VNDirect mà bà Hương làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng đang thực hiện một hướng kinh doanh về môi giới "ngược dòng". Trong khi tất cả các CTCK khác đều tìm cách chèo kéo các nhà đầu tư "cá mập" (các nhà đầu tư cực lớn) với việc đem lại các ưu đãi rất lớn về đòn bẩy tài chính (vay nợ) thì VNDirect lại không mấy nhiệt tình với việc này. Bà Hương cho biết: "Hiện tại, đúng là có hơi ngược đời khi chúng tôi tập trung công sức phục vụ số lượng nhà đầu tư nhỏ khá lớn nhưng lại chỉ đem lại có một bộ phận nhỏ lợi nhuận".

Giải thích thêm về cách làm "ngược dòng" của mình, bà Hương nói: "Chúng tôi có những cách khác vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ở mức cao mà không phải đón nhận rủi ro do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Định hướng của chúng tôi là dịch vụ bán lẻ nên làm sẽ khó khăn hơn và số lượng khách hàng lớn là rất quan trọng. Tôi không có ý định tìm mọi cách để giành giật các khách hàng đại gia từ các công ty khác nếu như tôi không thể kiểm soát được rủi ro từ việc đó".

Bà Hương tâm sự: "Tôi và chồng khá may mắn về mặt tài chính nhưng niềm tự hào của tôi không phải là việc kiếm được nhiều tiền và đứng vào câu lạc bộ của các tỉ phú trăm tỉ hay nghìn tỉ. Tôi không quan tâm đến điều đó. Bây giờ, điều quan trọng đối với tôi là làm sao để tuyển dụng và đào tạo được những nhân sự xuất sắc cho VNDirect và IPA; giúp họ trở thành triệu phú đô la trong tương lai. Con số những nhân viên thành đạt và trở thành triệu phú đô la nhờ gia nhập VNDirect và IPA sẽ đo lường mức độ tự hào cũng như thành công của tôi...".

 Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.