Khóc cười với trường quốc tế - Bài 2: Những khoản thu khó hiểu

02/11/2010 14:20 GMT+7

Trường quốc tế thu học phí rất cao nhưng phụ huynh vẫn không tránh được cảnh phải nộp thêm phụ phí. Điều đáng nói là những khoản thu như vậy không được công khai về chi tiêu.

>>  Bài 1: Đi không được, ở không xong

Không ít phụ huynh của trường quốc tế Kinder World thắc mắc: Từ nhiều năm nay, mỗi năm, học sinh phải đóng 1.000 USD cho quỹ phát triển của nhà trường nhưng cũng đã nhiều năm, không thấy nhà trường có đầu tư hay nâng cấp gì.

Chưa hết, hàng năm, mỗi học sinh phải nộp khoảng 80 USD tiền e-learning (học trực tuyến), nhưng phụ huynh phản ánh: rất không hiệu quả vì các cháu học ở trường cả ngày, tối về không có thời gian dùng máy tính. Hơn nữa, các chương trình trên trang web không liên kết gì hoặc không được tính điểm vào chương trình học chính thống, ở trường đã có môn ICT (Information, Communications and Technologies) đã dạy cách học qua mạng, làm bài tập trên mạng ở trường. Vậy tại sao lại phải học thêm ở nhà? Tại sao các khoản thu trên không tính vào học phí trong khi học phí đã quá cao...

Còn tại trường quốc tế Hanoi Academy, phụ huynh thậm chí còn phải đóng thêm cả tiền mua bản quyền chương trình quốc tế.

Chị N. A, một phụ huynh vừa xin rút hồ sơ cho con khỏi trường Hanoi Academy, bức xúc: “Cho con học các trường này phần lớn phụ huynh đều xác định sẽ tốn kém. Nhưng điều nhiều người bức xúc là cách thu tiền không đúng với thỏa thuận, không giải thích và cũng không minh bạch”.

Trong các phiếu báo thu tiền do phụ huynh trường Hanoi Academy cung cấp, tổng các khoản phải nộp đối với một phụ huynh mới đăng ký vào trường cho con học lên đến 5.000 - 6.000 USD tùy bậc học, bao gồm phí ghi danh, phí hồ sơ nhập học, phí xây dựng trường, đồng phục, học phí. Nhưng theo chị N.A , nhiều phụ huynh bất ngờ khi nhà trường có bảng kê yêu cầu nộp thêm một số khoản tiền khác, như phí quản lý sách, chi phí nhập khẩu, tiền bản quyền chương trình... Rất nhiều phụ huynh lên tiếng: việc mua bản quyền chương trình là việc đầu tư của nhà trường để có thể hoạt động và thu được học phí của người dân, vậy tại sao đã thu học phí rồi lại còn thu tiền bản quyền?

Ngoài ra, HS còn phải nộp thêm tiền học phẩm trên 2,3 triệu đồng, tiền mua sách gần 800.000 đồng/bộ, trong đó chỉ một số sách in màu, còn nhiều tài liệu được nhà trường photocopy đen trắng.

Có 3 yếu tố căn bản nhất để đánh giá trường đạt chuẩn quốc tế là: chương trình, giáo viên và cơ sở vật chất. Trong khi đó ở Hà Nội một cơ sở giáo dục tự nhận là quốc tế nhưng thậm chí các yếu tố còn chưa đạt theo chuẩn Việt Nam. Theo nhận định của Sở GD-ĐT Hà Nội: cơ sở vật chất của trường quốc tế chưa tương xứng với mức học phí. Nhiều trường còn thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại cho việc giảng dạy và học tập. Phần lớn các cơ sở giáo dục, kể cả các cơ sở giáo dục phổ thông đều không có cơ sở vật chất riêng mà phải đi thuê.

Đầu năm học, trong số 14 trường THPT ở Hà Nội bị "treo" chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học này có 2 trường quốc tế, nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Ví dụ, trường phổ thông quốc tế Phú Châu chưa được phép tuyển sinh vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu thiết bị dạy học và các bộ môn. Hay như trường quốc tế Horizon thì do cơ cấu tổ chức bộ máy chưa được công nhận.

PGS Văn Như Cương nhận định: có lẽ ít có nước nào mà tên gọi trường quốc tế được dùng tùy tiện như ở nước ta. Khổ nhất là rõ ràng trường Việt Nam của người Việt Nam mà cứ phải lấy tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên danh nhân của nước ngoài để tăng tính hấp dẫn khi quảng cáo. Có trường mầm non dăm ba lớp nhỏ hẹp, tô vẽ màu sắc, mỗi tuần vài giờ tiếng Anh thế là thành trường quốc tế và thu học phí rất cao.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.