Liều mạng ra khơi

06/11/2010 11:43 GMT+7

(TNO) Bất chấp lệnh cấm nhiều người vẫn cho tàu ra khơi đánh bắt khi biển động mạnh, có bão tố... Biết chủ quan sẽ bị trả giá nhưng ngư dân cứ vẫn liều mạng, vì vậy các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để chấm dứt ngay tình trạng này.

Ngày 5.11, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi) đã xác định được số hiệu của 2 chiếc tàu cá đã liều mạng vượt sóng to, gió lớn ra khơi hôm 4.11.

Đó là tàu cá QNg-95147TS, công suất 250CV của ông Đỗ Văn Kha (43 tuổi, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm chủ tàu và cũng là thuyền trưởng; tàu cá QNg-50162TS công suất 39CV, do ông Đỗ Văn Qui (34 tuổi, cũng ở thôn Định Tân) làm thuyền trưởng.

Đó là tàu cá QNg-95147TS, công suất 250CV của ông Đỗ Văn Kha (43 tuổi, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm chủ tàu và cũng là thuyền trưởng; tàu cá QNg-50162TS công suất 39CV, do ông Đỗ Văn Qui (34 tuổi, cũng ở thôn Định Tân) làm thuyền trưởng.

Bất chấp lệnh cấm

Mặc dù đã nhận được lệnh cấm tất cả tàu thuyền không được ra khơi do biển động mạnh nhưng sáng 4.11, 2 tàu cá QNg-95147TS và QNg-50162TS với tổng cộng 9 ngư dân đã lén lút vượt Trạm kiểm soát biên phòng vận chuyển hàng từ xã Tịnh Kỳ, H.Sơn Tịnh ra đảo Lý Sơn rồi dùng thuyền thúng để đưa hàng hóa lên bờ, sau đó lại vận chuyển hành, tỏi vào đất liền tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi làm việc với lực lượng biên phòng, ông Kha vẫn cứ quanh co biện minh rằng, tàu cá của ông chỉ ra vùng biển cách bờ hơn 10 hải lý để đánh cá, sau đó quay vào đảo Lý Sơn neo đậu thì được người dân thuê chở khoảng 1,5 tấn hành, tỏi vào đất liền với giá 1,5 triệu đồng.


Tàu cá QNg-95147TS của ông Đỗ Văn Kha - một trong hai tàu cá đã lén ra đảo Lý Sơn hôm 4.11 trong điều kiện thời tiết mưa bão nguy hiểm

Tại Lý Sơn, dù các cơ quan chức năng đã ngăn cản nhưng ông Kha vẫn cho tàu quay trở lại đất liền ngay trong chiều 4.11 trong khi biển động dữ dội.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Kha thừa nhận việc đưa tàu cá ra khơi là vi phạm lệnh cấm song vẫn một mực biện minh: “Tàu của tui đã từng chịu nhiều đợt bão tố ở vùng biển Hoàng Sa nhưng có sao đâu. Vậy gió mới cấp 7, cấp 8 ra biển gần bờ thì ăn thua gì”.
 
Có thể nói đây không phải là lần đầu tiên mà từ nhiều năm qua, tại Quảng Ngãi đã xảy ra rất nhiều trường hợp bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng mỗi khi biển động mạnh. Thậm chí, khi lực lượng biên phòng kêu gọi “mỏi miệng” nhưng có tàu vẫn không quay về đất liền.

Mới đây, trong cơn bão số 6 vừa qua, tàu cá QNg-96399 TS do ông Nguyễn Chín (quê ở xã An Hải, huyện Lý Sơn làm thuyền trưởng), trên tàu có 14 lao động đang hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa, khi nghe kêu gọi cho tàu vào bờ thì ông Chín nhất quyết không chịu và trả lời: “Bây giờ quay về thì lỗ tiền dầu ai chịu?”.


Dù biển động dữ dội nhưng 2 tàu cá QNg-95147TS và QNg-50162TS vẫn liều mạng chở hành, tỏi từ Lý Sơn về đất liền

Bị nạn thì la làng

Trưa 2.11, tàu cá QNg-1013TS của ông Phạm Chí Tâm (ở xã Bình Đông), trên tàu có 7 ngư dân đang neo đậu tại huyện đảo Lý Sơn cũng bất chấp sóng to, gió lớn để ra khơi. Khi đang ở tọa độ 15 độ 12’ vĩ bắc, 108 độ 57’ kinh đông thuộc vùng biển Quảng Ngãi bất ngờ bị chết máy, sau đó trôi dạt tự do với tốc độ gần 4 hải lý/giờ. Nhiều ngư dân trên tàu bắt đầu hoảng loạn sau khi biết rằng do sóng quá lớn tàu công suất lớn của ngư dân địa phương đều không thể ra khơi nên phải “la làng” cầu cứu các cơ quan chức năng cứu nạn.

Ngày 5.11, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền các địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục để xử lý nghiêm đối với 2 tàu cá QNg-95147TS và QNg-50162TS tự ý vượt trạm kiểm soát để ra đảo Lý Sơn trong lúc sóng to, gió lớn bất chấp sự can thiệp của các lực lượng chức năng.

Nhận được tin, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã lập tức điều động tàu BP 09-04-04 của Hải đội 2 do thiếu tá Nguyễn Xướng làm thuyền trưởng và thiếu tá Huỳnh Công Minh - Hải đội trưởng Hải đội 2 trực tiếp chỉ huy ra khơi ứng cứu. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng, gió tàu BP 09-04-04 mới tiếp cận, lai dắt thành công tàu cá QNg-1013TS cùng 7 ngư dân vào bờ an toàn ngay trong đêm 2.11.
 
Chính sự chủ quan, bất chấp lệnh cấm của các cơ quan chức năng nên trong cơn bão số 1 xảy ra vào tháng 7 vừa qua, 7 tàu cá ở Quảng Ngãi bị chìm, hư hỏng thiệt hại hàng tỉ đồng, tính mạng của gần cả trăm ngư dân đã được cứu sống nhờ các thuyền khác đã liều mình ứng cứu.
 
Khó lòng kiểm soát

Theo trung tá Nguyễn Ngọc Thanh - Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, dù đã cử cán bộ chiến sĩ đến tận từng gia đình ngư dân vận động nhưng nhiều người ý thức tự giác rất kém nên vẫn không chấp hành, bất chấp cả tính mạng và tài sản để ra khơi mỗi khi có gió bão.

Trong suy nghĩ của ngư dân, việc ra khơi trong lúc biển động mạnh là việc bình thường còn việc cứu nạn trên biển đã có cơ quan chức năng lo liệu. Tư tưởng ỷ lại này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chủ quan của ngư dân. Vì họ cứ lén lút ra khơi nên lực lượng biên phòng khó bề kiểm soát nổi.
 
Còn đối với ngư dân đều nại lý do là tàu mới ra biển được vài hôm, đánh bắt chưa được bao nhiêu nên nếu chạy vào bờ sẽ lỗ hàng chục triệu đồng tiền dầu, chuyến đi biển bị lỗ nặng, họ phải nấn ná lại đánh bắt một hai hôm nữa.

Một lý do khác, đó là thông thường trước khi biển động cá thường xuất hiện rất nhiều nên họ bất chấp hiểm nguy đến tính mạng để tiếp tục đánh bắt. Vì thế, khi bão ập đến chạy không kịp, bị thiệt hại nặng nề là lẽ đương nhiên. Hậu quả là nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương, vợ mất chồng, con mất cha.
 
Biết chủ quan sẽ bị trả giá nhưng ngư dân cứ vẫn liều mạng với bão tố. Do vậy đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh để chấm dứt ngay tình trạng này.

Bài, ảnh: Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.