Cứu nguy cho dự luật cứu nguy

04/10/2008 23:18 GMT+7

Ngày 3.10, cả hành pháp, thủ lĩnh hai đảng tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ cùng các nhà đầu tư trên Phố Wall đã thở phào nhẹ nhõm khi Hạ viện thông qua dự luật cứu nguy tài chính.

Chẳng đặng đừng

Cuối cùng thì Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu nguy tài chính 700 tỉ USD mà Thượng viện đã bỏ phiếu chấp thuận vào tối 1.10. Sáng 3.10, Hạ viện với 263 phiếu thuận - 171 phiếu chống đã thông qua dự luật và chuyển qua Nhà Trắng để Tổng thống George W.Bush ký. Việc các vị thủ lĩnh 2 đảng ráo riết vận động trong mấy ngày qua đã đem lại kết quả vượt bậc. Thay vì chỉ cần thêm 13 phiếu thuận, họ đã nhận được đến thêm 58 phiếu.

“Không thuận cũng không xong”, đó là cái thế của đa số dân biểu Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu sáng 3.10. Đã có nghị sĩ đề nghị sửa đổi, bổ sung và cắt giảm khoản tiền cứu nguy từ 700 tỉ xuống còn 250 tỉ cho hành pháp giải quyết trước mắt, số còn lại sẽ xem xét sau. Thế nhưng đã muộn. Các vị thượng nghị sĩ đã giã từ Washington D.C. để đi về các nơi nên khó lòng triệu tập họ lại để thỏa hiệp một dự luật chung. Hạ viện lâm vào thế: thuận hay không thuận mà thôi. Nếu không thuận, tình trạng nguy kịch sẽ kéo dài và họ sẽ bị cử tri đổ lỗi về sau.

Trước khi bỏ phiếu, dân biểu John Boehner, thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện, đã tuyên bố là các dân biểu hiểu rằng, nếu như không hành động thì cuộc khủng hoảng sẽ càng tệ hơn và sẽ đưa đất nước đến tình trạng suy sụp kinh tế. Còn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thì nói là dự luật rất cần thiết để bắt đầu hình thành sự ổn định tài chính của đất nước và an ninh kinh tế của dân chúng.

Rất nhiều nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại dự luật trong ngày thứ hai vừa qua, nay đã bày tỏ ý kiến ủng hộ dẫn đến kết quả bỏ phiếu thành công. Biện minh cho sự thay đổi ý kiến, các dân biểu nói là có nhiều điều khoản cải tiến so với bản dự thảo đưa ra Hạ viện vào đầu tuần. Những vị dân cử cũng ý thức được rằng lá phiếu của họ vào ngày 29.9 vừa qua đã góp phần làm cho thị trường Mỹ mất đến hơn 1.000 tỉ USD, tức gần gấp rưỡi khoản tiền mà hành pháp xin cứu nguy.

Cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến và sự chia rẽ sâu sắc. Phát biểu trước đó của thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, ông Harry Reid, có lẽ được nhiều nghị sĩ đồng tình. Ông Reid nói: “Chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng cho nước Mỹ, cho toàn liên bang, rằng chúng ta sẽ không để cho nền kinh tế sụp đổ. Đây không phải là một đạo luật hoàn hảo, ai cũng biết vậy, nhưng đã cải thiện nhiều so với nguyên bản. Đây không phải là đạo luật của Dân chủ, không phải của Cộng hòa, đây là đạo luật của chúng ta”.

Sức ép

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 29.9, có 228 dân biểu bỏ phiếu chống - so với 205 phiếu thuận. Trong số bỏ phiếu chống, có 133 dân biểu đảng Cộng hòa và 95 người của đảng Dân chủ. Về số phiếu thuận, có 140 dân biểu Dân chủ và 65 của đảng Cộng hòa. Lần bỏ phiếu sáng 3.10, có 263 phiếu thuận, tức tăng thêm được 58 phiếu, trong đó có 26 người Cộng hòa và 32 dân biểu Dân chủ đã đảo ngược ý kiến của mình để bỏ phiếu thuận.

 
Các vị dân cử tỏ ra bức xúc trước tin một cụ bà nổ súng tự tử khi căn nhà của bà bị ngân hàng xiết nợ. Cụ Addie Polk, 90 tuổi, ở thành phố Akron thuộc bang Ohio đã trở thành biểu tượng cho tình trạng nhà bị xiết nợ phổ biến ở Mỹ, của thảm cảnh phải rời bỏ nhà sau khi không đủ tiền “trả góp” hằng tháng. Chiều 1.10, bà Polk đã tự bắn vào người 2 phát khi cảnh sát đến thông báo sẽ tống khứ bà ra khỏi nhà để giao lại cho ngân hàng. Sau sự cố, Fannie Mae, một trong 2 ngân hàng đã được chính phủ “cứu” mới đây, tuyên bố là họ sẽ bỏ qua một bên và không làm khó dễ bà nữa. Ngày 3.10, khi Hạ viện thảo luận để bỏ phiếu thông qua dự luật cứu nguy tài chính thì phát ngôn viên của Fannie Mae nói là tổ chức tài chính này đã quyết định ngưng mọi hành động chống lại bà Polk, đồng thời ký một văn kiện công nhận quyền sở hữu cho bà. Dân chúng Akron đã đứng sau lưng hậu thuẫn cho cụ bà, lúc đó đang trong tình trạng nguy kịch và đang được chữa thương tại bệnh viện.

Dân biểu Dennis Kucinich đã nhấn mạnh đến trường hợp này tại Hạ viện vào sáng 3.10 khi các nghị sĩ thảo luận trước khi bỏ phiếu. Ông lưu ý đến hàng triệu người Mỹ cũng đang lâm vào tình cảnh bị xiết nhà như bà Polk.

Cũng trong sáng 3.10, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu những việc làm bị cắt giảm trong tháng 9 ở mức cao kỷ lục trong hơn 5 năm qua như là một lời cảnh báo đến các vị dân cử. Theo đó, trong tháng 9, giới chủ đã cắt đến 159.000 công việc, mức cao nhất trong 1 tháng từ hơn 5 năm qua. Cùng lúc đó, thăm dò dư luận cho thấy hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đang tác động mạnh lên những người Mỹ bình thường. Cứ 10 người Mỹ thì hết 8 người lo sợ bị khủng hoảng tài chính tác động.

Ăn mừng

Như vậy là cuối cùng, Quốc hội đã chấp thuận cho hành pháp được mua lại nợ xấu, cứu nguy cho hệ thống ngân hàng, cứu nguy cho Phố Wall. Tuy nhiên, kế hoạch cũng đã được 2 viện kịp thời bổ sung để thỏa mãn cho Main Street – tức đa số quần chúng - trong đó có việc bổ sung hơn 100 tỉ USD cho các khoản giảm thuế và gia tăng bảo hiểm tiền gửi tối đa cho mỗi tài khoản từ mức 100.000 USD lên 250.000 USD.

Về phía hành pháp, chưa đầy một giờ sau khi có tin vui từ điện Capitol, Tổng thống Bush đã tuyên bố tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng là ông sẽ nhanh chóng ký ban hành dự luật. Tổng thống cám ơn tinh thần làm việc không mệt mỏi của các thành viên hai đảng, hai viện, cám ơn tinh thần hợp tác giữa lập pháp và hành pháp. Ông cũng không quên trấn an những người quan tâm đến kế hoạch cứu nguy tài chính này, nhất là vai trò của chính phủ và khoản tiền quá lớn lao dự chi cho kế hoạch. Tổng thống Bush nhấn mạnh là ông tin tưởng sự can thiệp của chính phủ chỉ nên xảy ra lúc cần thiết và ông cho rằng, trong tình thế hiện nay, hành động này rõ ràng là cấp thiết. Bài diễn văn ngắn của Tổng thống kết thúc bằng lời cam kết trước quốc dân là phải chứng tỏ cho thế giới thấy rằng nước Mỹ sẽ ổn định thị trường tài chính và sẽ duy trì vị thế lãnh đạo nền kinh tế thế giới.

Đọc xong diễn văn, Tổng thống Bush ghé qua Bộ Tài chính nằm kế cận để chúc mừng Bộ trưởng Henry Paulson, người đã vắt sức làm việc trong 2 tuần qua và là nhân vật sẽ giám sát việc thực thi kế hoạch. Hai người bắt tay nhau và cùng sánh bước đi vào tòa nhà. Sau đó, Tổng thống Bush đã ký thành luật mà không có một lễ nghi long trọng nào.

Việc Quốc hội thông qua kế hoạch cứu nguy tài chính chỉ mới là chiến thắng ban đầu của hành pháp. Theo các chuyên gia, hiện tình hình kinh tế Mỹ còn chồng chất khó khăn và là thách thức cho vị tân tổng thống sẽ được bầu vào ngày 4.11 tới.

Lê Đình Bì (từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.