Sinh kế của người chuyển giới

27/10/2013 09:35 GMT+7

Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn về việc làm và họ dễ lâm vào tình trạng đói nghèo.

Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn về việc làm và họ dễ lâm vào tình trạng đói nghèo.

Sinh kế của người chuyển giới
Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn về việc làm - Ảnh: N.L

Đó là cảnh báo từ nghiên cứu “Việc làm của người chuyển giới nữ - Thực trạng và thách thức” của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, vừa công bố vào chiều 24.10 tại TP.HCM.

Hát đám, ăn than, phun lửa

Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, cho biết đề tài này thực hiện từ tháng 6.2013, với sự tham gia của 241 người chuyển giới, qua hình thức khảo sát trực tuyến (223 người) và phỏng vấn sâu (18 người). Đa số sống tại TP.HCM, tiếp đến là Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.

Theo tiến sĩ Phương, có đến 21% người chuyển giới từng đi làm, nhưng hiện nay không có việc làm, chủ yếu do bị kỳ thị từ xã hội và trong môi trường làm việc.

Cát Thy, một người thường đi hát đám (đám tang, sinh nhật, đám cưới, đám giỗ) tại TP.HCM, chia sẻ: “Tôi và những bạn chuyển giới lập một nhóm hát - xiếc. Nhóm chúng tôi có thể múa xiếc, xiếc bàn, dùng miệng cắn chân bàn, nâng bàn lên giữ thăng bằng... Chúng tôi thường bị coi khinh. Có những khách nhét tiền vào ngực tôi, rồi bóp như thú nhồi bông”.

Chị Đinh Hồng Hạnh thuộc Trung tâm ICS (Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam), nhìn nhận: “Tại TP.HCM, công việc phổ biến nhất của người chuyển giới là hát đám ma. Để đáp ứng nhu cầu tiêu khiển của khách, các bạn còn làm xiếc, đổ sáp nóng vào miệng, nuốt lưỡi dao lam…, rất nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng lớn đến tâm lý”.

Lộ ra là... thiệt !

Được sống thật với chính mình là niềm khao khát của những người chuyển giới. Thế nhưng, đa số những người trong cuộc cho rằng, khi quyết định lộ diện, họ thường chịu nhiều phân biệt đối xử hơn là những người giấu kín. Những hình thức “xử ép” họ thường gặp nơi làm việc, đó là: bị buộc phải thay đổi thể hiện bên ngoài; thu nhập thấp hơn, điều kiện lao động tệ hơn so với đồng nghiệp; chịu sự dè bỉu, trêu chọc, xa lánh; thậm chí là bị quấy rối tình dục, đánh đập…

Một người trong cuộc bộc bạch: “Em hỏi đủ chỗ tìm việc làm nhưng không bao giờ được. Công ty có, ở lề đường cũng có, quán xá cũng có, nói chung đủ cả. Tại vì những chỗ đó cần nam ra nam, nữ ra nữ chứ không cần giới tính như mình. Nhiều khi mẹ tôi nói mày chạy xe ôm đi. Trời ơi, ai dám ngồi lên xe ôm của pê đê?”.

J. (28 tuổi) ám ảnh về chuỗi ngày xin việc của mình: “Đi xin việc khó lắm. Vô làm trang điểm, người ta cũng thử tay nghề nhưng rồi không chấp nhận. Người ta còn nói này nói nọ: pê đê vô làm chỉ ăn cắp thôi. Rồi là em nửa này nửa kia làm sao thay đồ cô dâu được”.

Do bầm dập khi đi xin việc cũng như khi đi làm nên họ có xu hướng co cụm lại, chỉ muốn tự tạo việc làm cho bản thân và cho những ai có “chung màu áo, chung giới tính”. Tuy nhiên, họ lại đụng đến vấn đề nan giải là thiếu vốn để khởi nghiệp.

“Hãy cho chúng tôi một lối thoát. Không ai muốn chui rúc chỗ này chỗ kia, làm những công việc không tốt. Ngược lại, ai cũng mong muốn có công việc ổn định”, Jessica (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Toàn) bày tỏ.   

 

Trong mắt tôi

Cũng trong chiều 24.10, cộng đồng người chuyển giới đã ra mắt tập sách ảnh Trong mắt tôi (In my eyes). Bộ sách tập hợp 41 bức ảnh, chủ yếu do những người chuyển giới chụp, phản ánh chân thực và sinh động những khoảnh khắc đời thường của họ.

 

Như Lịch

>> Quyền của người chuyển giới
>> Lại một người đẹp chuyển giới được để ý
>> Sẽ có 4 cơ sở đủ thẩm quyền phẫu thuật chuyển giới
>> Cấm chuyển giới nếu khuyết tật giới tính do tâm lý
>> Ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh nhận con nuôi
>> Mr Đàm đưa 3 "người đẹp chuyển giới" vào đêm nhạc
>> Thoát hình phạt roi nhờ chuyển giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.