Cần luồng gió mới

08/10/2005 23:46 GMT+7

“Phải chăng văn hóa nghệ thuật Việt ở hải ngoại đang bị “lão hóa” và càng ngày càng mờ nhạt và lặn chìm trong văn hóa bản địa?”. Lời cảnh báo trên của một nhà văn gốc Việt ở Hoa Kỳ cách đây mấy năm có thể nào đang là một hiện thực.

Chỉ cần nhìn quanh các cuộc họp mặt ra mắt sách, triển lãm tranh, thảo luận văn chương, tưởng niệm văn thi sĩ đã mất… lớp già trên 50 chiếm đa số tuyệt đối, lác đác có người 40, rất ít người 30. Còn người trẻ 20 thì hiếm hoi. Thì cứ nghĩ xem, lứa tuổi 20 may lắm chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt thông thường, không đủ trình độ đọc sách, viết sách tiếng Việt, dĩ nhiên là ít hiểu văn hóa Việt. Những em mới sang sau này thì được giáo dục theo trong nước, tuy tiếng Việt có khá hơn nhưng cũng đầu tắt mặt tối lo học hành, mưu sinh, đâu có thì giờ chú ý đến sinh hoạt văn hóa.

Lớp tuổi 30, sinh ra vào những năm 1970, theo cha mẹ ra nước ngoài, một số bị u Mỹ hóa, số khác tuy vẫn còn giữ gốc gác Việt nhưng lại không trải qua cùng một môi trường sống với lớp cha chú trong gia đình, nên dần xa lạ với nhiều truyền thống Việt.

Các thành phần của lứa tuổi trên hiện đang phải đấu tranh gay go để mưu sinh, hội nhập và thăng tiến trong xã hội. Muốn giữ được chỗ làm, muốn thăng cấp, họ phải dốc toàn lực mới bắt kịp những tiến bộ công nghệ hiện đại,  không còn thời gian, sức lực cho sinh hoạt văn hóa dân tộc. Nhiều lắm họ chỉ đủ thì giờ thưởng thức văn nghệ dân tộc kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, tranh thủ dự một vài đêm diễn hoặc vào mạng bấm chỗ này chỗ kia một chút. Một người bạn sinh sống lâu năm ở Mỹ nói với tôi: “Hãy nhìn sang sinh hoạt văn hóa luôn sinh động của các cộng đồng người Hoa, người Hàn, người Nhật, người Ấn, người Do Thái... tại Mỹ mà xem, họ vẫn có bản sắc riêng nhờ luôn có những ràng buộc tinh thần và vật chất với quốc gia gốc”. Và anh đề nghị: “Tôi nghĩ rằng cái động lực chính tạo nên sự ràng buộc là cái phần văn hóa gốc của người mình. Cộng đồng gốc Việt ở nước ngoài cần tiến hành ngay mối quan hệ chính thức hoặc dưới một hình thức nào đó với các tổ chức, cá nhân trong nước để ngày càng có nhiều cuộc giao lưu về văn hóa nghệ thuật nói chung lẫn về văn hóa truyền thống”.

Anh kể rằng người bạn Hoa kiều của anh là một chuyên gia đến từ Đài Loan nhưng lại tha thiết mời anh đi xem đoàn kinh kịch Bắc Kinh sang Mỹ biểu diễn và say sưa nói về cái hay cái đẹp của bộ môn văn hóa truyền thống Trung Hoa này. Còn ta thì mới có mấy ca sĩ, vài đoàn múa rối nước, kịch nói, cải lương từ bên nhà sang biểu diễn mà cũng có người chống đối ! 

Sinh hoạt văn hóa của người Việt ở hải ngoại phải chăng đang cần một luồng gió mới ? Đó chính là phải nhanh chóng tạo ra nhiều gắn kết với cội nguồn dân tộc, quan hệ với quê hương cũng như mạnh dạn đổi mới cung cách sinh hoạt phù hợp với giới trẻ hơn. 

Nguyễn Hữu Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.