16 người chết và mất tích, 9 người bị thương, hơn 300 ngôi nhà bị lốc tàn phá

10/10/2005 23:37 GMT+7

Như tin Thanh Niên đã đưa, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại 3 tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn kèm theo gió lốc, nước lũ trên các sông dâng cao đã tàn phá nhiều nhà cửa, hoa màu và nhân mạng. Kể từ tối 7/10, khi một cơn lốc lớn với sức gió mạnh trên cấp 6, giật trên cấp 7 xuất hiện và đã kéo thành một vệt dài tràn qua các huyện Hương Trà và Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) làm 112 căn nhà bị tốc mái và sập. Tại Quảng Trị, gió lốc cũng đã tàn phá làm hơn 190 ngôi nhà bị sập, hư hỏng và xiêu vẹo.

Quảng Bình: 12 người chết và mất tích

Ngày 10/10, lũ ở Quảng Bình (QB) rút chậm, số nhà ngập đã tăng lên 18.848 hộ dân, 4 nhà bị sập, 14 thuyền của ngư dân bị chìm và hư hỏng nặng, lũ quét ở 5 xã Kim Thủy, Văn Thủy, Trường Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy đã cuốn trôi nhiều tài sản, trâu bò của dân, không có trường hợp nào bị chết do lũ quét. Nhiều trường học ở QB vẫn bị ngập trong lũ, học sinh vẫn chưa thể đến trường. Đến cuối ngày 10/10, tại QB có 12 người chết và mất tích, gồm: Minh Hóa 3 người, Lệ Thủy 4 người, Quảng Ninh 2 người, ngoài ra còn có 3 thợ sơn tràng Hà Tĩnh vào rừng Tuyên Hóa đẵn gỗ bị lũ cuốn trôi đã nâng con số người chết và mất tích ở QB lên 12 người. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ mỗi người mất do lũ 1 triệu đồng. Đến tối qua, lũ ở QB vẫn ở mức cao, nhiều xã còn bị lũ cô lập, thiệt hại đã lên đến 44,170 tỉ đồng.

Quảng Trị: 3 người chết và 8 người bị thương

Lũ và lốc xoáy đã làm ngập 25 nghìn hộ dân, trong đó 15 nghìn hộ bị ngập rất nặng, 190 ngôi nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo và hư hỏng. Có 3 người chết và 8 người bị thương, chủ yếu là trẻ em và người già. Tính đến cuối ngày 9/10, thống kê ban đầu của Trung tâm Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 29 xã, phường bị ngập từ 0,8 - 1,5 mét. Một số vùng ngập sâu đến 4 mét, chủ yếu là ven sông Bến Hải, Hiếu Giang và Ô Lâu thuộc các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng. Gần 1,5 vạn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 1.294 ha lúa, hoa màu, 1.252 tấn thóc giống và gần 1.000 ha nuôi trồng thủy sản đang mùa thu hoạch bị hư hại, mất trắng hoàn toàn; 50 thuyền đánh cá của bà con ngư dân tại các vùng biển bãi ngang bị sóng biển cuốn trôi và hư hỏng. Nhiều hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi bị vỡ, sạt lở, hư hỏng nặng với khối lượng lên đến 60 nghìn mét khối. Nghiêm trọng nhất, cầu Bến Tắt bắc qua sông Gia Vòng (trên đường mòn Hồ Chí Minh cũ) thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh đã bị nước lũ cuốn trôi. Hàng chục trụ điện, trạm biến thế và đường dây điện tại nhiều địa phương bị đổ gãy. Các tuyến giao thông qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hải Lăng bị gián đoạn vì nước lũ đang còn cao... Thiệt hại ước tính khoảng 68 tỉ đồng.

Thừa Thiên - Huế: 1 người chết, 1 người bị thương

Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh đã có 109 căn nhà bị gió lốc làm tốc mái, 3 căn nhà bị sập. Trong đó nặng nhất là ở thôn Vân Quật Đông (xã Hương Phong, huyện Hương Trà) có 32 ngôi nhà tốc mái, 1 người bị thương. Tại huyện Phú Vang cũng đã có 72 căn nhà tốc mái và 3 nhà bị sập, bờ biển ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An bị sạt lở dài lấn sâu vào đất liền hơn 50 mét; hạ lưu sông Hương đoạn qua làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu) sạt lở hơn 95 mét; hơn 150 ha hoa màu ở các xã Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thượng... bị ngập úng có nguy cơ mất trắng; huyện A Lưới có 15 ha lúa và 30 hồ nuôi cá bị trôi mất; Phú Lộc: bờ biển ở thôn Ngũ Vị, xã Vinh Hiền bị xâm thực và sạt lở sâu vào đất liền dài 50 mét, hạ lưu sông Truồi cũng sạt lở nhiều đoạn; huyện Hương Thủy có 2 nhà tốc mái... Huyện Quảng Điền có hơn 60% hộ dân cùng với hoa màu bị ngập lụt; TP Huế có một người thiệt mạng. Nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh cũng đã bị ngập lụt chia cắt và hư hỏng, đê điều và kênh mương thủy lợi cũng đã bị xói lở nghiêm trọng...

Quảng Nam: Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt

Từ ngày 7/10 - 10/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm, có nơi từ 200 - 300 mm như Tam Kỳ 321 mm, Đại Lộc 231 mm... Mưa lớn đã gây ngập úng nhiều tuyến đường giao thông tại thị xã Tam Kỳ và gây sạt lở đất nghiêm trọng tại các huyện Nam Trà My và Tây Giang. Ngầm Sông Trường (Nam Trà My) bị ngập, tuyến đường Trà Don đi Trà Nam bị chia cắt hoàn toàn. Trong khi đó, tại huyện miền núi Tây Giang, mưa lớn làm sạt lở 30.000m3 đất đá, 4 ngầm bị cuốn trôi, 3 cầu tạm bị hư hỏng, sạt lở 6 đập dâng, 7 công trình nước sinh hoạt bị phá hủy, nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Lăng - Trhy, Tàghê - Apat bị tắc do mưa lớn. Theo tin từ bộ đội biên phòng tỉnh, toàn bộ tàu thuyền đánh cá đã về nơi trú ẩn an toàn.

Tại Đà Nẵng, mưa lớn kéo dài đã làm cho nhiều công trình đang thi công phải tạm dừng, một số khu dân cư bị ngập. Toàn bộ tàu thuyền đánh cá đã tìm nơi trú ẩn an toàn.

Khánh Minh - Giang Xuân - B.N.L - H.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.