Trung Quốc chật vật hồi phục kinh tế

20/07/2023 07:11 GMT+7

Kinh tế tăng trưởng ở mức thấp và không hồi phục nhanh như dự đoán, Trung Quốc phải dự kiến bổ sung thêm các biện pháp hỗ trợ nhưng vẫn bị đánh giá gặp nhiều thách thức.

Mới đây, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố kết quả kinh tế quý 2 của nước này.

Tăng trưởng chậm, nhiều tín hiệu xấu

Tờ South China Morning Post dẫn số liệu từ NBS cho hay GDP nước này trong quý 2 vừa qua tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Báo cáo của NBS đánh giá kinh tế Trung Quốc đang "trên đà phục hồi tốt, nguồn cung sản xuất tiếp tục tăng, việc làm và giá cả nhìn chung ổn định, thu nhập của người dân tăng trưởng đều đặn". Sản xuất công nghiệp trong tháng 6 cũng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức này cao hơn so với tỷ lệ tăng 3,5% của tháng 5.

Thông thường, mức tăng trưởng GDP 6,3% như trên là không thấp. Tuy nhiên, quý 2/2022, Trung Quốc vẫn còn áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách Zero-Covid nên nền kinh tế khi đó tăng trưởng rất chậm. Chính vì thế, dù tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kinh tế Trung Quốc quý 2 vừa qua chỉ tăng 0,8% so với quý 1. Trong khi đó, quý 1/2023 tăng 2,2% so với quý kế trước. Không những vậy, tỷ lệ thất nghiệp của độ tuổi từ 16 - 24 đã tăng từ mức 20,8% trong tháng 5 lên 21,3% trong tháng 6.

Trung Quốc chật vật hồi phục kinh tế - Ảnh 1.

Xuất khẩu của Trung Quốc đang bị giảm sút

Reuters

Trong khi đó, các động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại có nhiều tín hiệu của xu hướng xấu đi. Cụ thể, mức đầu tư tài sản cố định đang có xu hướng chậm lại trong nửa đầu năm 2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu tính từ tháng 1 - 5 vừa qua thì tăng đến 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không những vậy, lĩnh vực đầu tư tư nhân nửa đầu năm qua lại giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với đầu tư bất động sản, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư tài sản cố định ở Trung Quốc, thì nửa đầu năm qua giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây lại là một tín hiệu xấu khác khi mức giảm nếu tính từ tháng 1 - 5 là 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 cũng giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Một động lực khác là doanh số bán lẻ cũng đang tăng trưởng chậm đi. Cụ thể, doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, tức mức tăng trưởng đang giảm dần khi tỷ lệ này vào tháng 4 và 5 vừa qua lần lượt là 18,4% và 12,7%. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu có thể rơi vào tình trạng giảm phát.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 20.7: Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande lỗ hơn 81 tỉ USD

Còn nhiều thách thức

Để cải thiện tình hình kinh tế, Trung Quốc được dự báo sẽ bổ sung thêm một số chính sách, biện pháp kích thích. Reuters vừa dẫn một số nguồn tin cho hay cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã mời một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới tham dự một hội nghị chuyên đề ngày mai (21.7) nhằm khuyến khích người nước ngoài tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế nước này.

Cuộc họp có chương trình nghị sự tập trung thảo luận về những thách thức mà các nhà quản lý quỹ toàn cầu đầu tư vào Trung Quốc phải đối mặt, nên được xem là diễn biến hiếm hoi của chính quyền nước này và phản ánh mong muốn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh động lực giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc càng bị đánh giá không mấy khả quan khi căng thẳng giữa nước này với phương Tây ngày càng gia tăng.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc gặp với đại diện một số tập đoàn lớn về công nghệ của Trung Quốc như Alibaba hay Công ty Meituan (một nền tảng mua sắm trực tuyến lớn). Qua cuộc gặp, Thủ tướng Lý kêu gọi các công ty này hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước. Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ khiến quá trình phát triển của các ngành này gặp không ít khó khăn.

Đánh giá về kinh tế Trung Quốc sau khi NBS công bố số liệu kinh tế quý 2, Công ty dịch vụ tài chính Fitch (một trong các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới) vẫn nhận định lĩnh vực bất động sản khó có thể lấy lại vị trí là động lực tăng trưởng chính. Tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào tiêu dùng, nhưng động lực này đang chậm lại. Vấn đề là Trung Quốc phải thuyết phục được doanh nghiệp và người tiêu dùng về khả năng hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế. 

Morgan Stanley chuyển hơn 200 chuyên gia công nghệ khỏi Trung Quốc

Bloomberg hôm qua dẫn một số nguồn tin cho hay Ngân hàng Morgan Stanley, có trụ sở chính tại Mỹ, đang chuyển hơn 200 chuyên gia công nghệ ra khỏi Trung Quốc đại lục. Số nhân viên này, chiếm hơn 1/3 số kỹ sư công nghệ của Morgan Stanley ở Trung Quốc đại lục, chủ yếu được chuyển đến Hồng Kông và Singapore. Số nhân viên còn lại của Morgan Stanley ở Trung Quốc đại lục đã bắt đầu xây dựng một hệ thống độc lập ở Trung Quốc để tuân thủ các quy định của nước sở tại.

Động thái trên nằm trong những động thái quan trọng nhất của một ngân hàng Phố Wall nhằm đáp lại một luật mới hạn chế việc truyền thông tin nhạy cảm ra khỏi Trung Quốc. 

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.