Trung Quốc muốn phát triển tàu siêu tốc đệm từ chạy 1.000 km/giờ

Khánh Như
Khánh Như
23/04/2023 10:54 GMT+7

Các chuyên gia Trung Quốc đang xây dựng tàu siêu tốc đệm từ chạy trong đường ống (hyperloop) đầu tiên với vận tốc có thể lên tới 1.000 km/giờ.

Tờ South China Morning Post ngày 23.4 dẫn thông tin từ các viện thiết kế đường sắt và kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc cho biết nước này có thể xây dựng tuyến tàu siêu tốc trong đường ống (hyperloop) đầu tiên.

Hệ thống tàu đệm từ trường chạy trong đường ống với tốc độ cực cao hyperloop được tỉ phú Mỹ Elon Musk đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013. Các ống đường ống khổng lồ sẽ được rút hết không khí nhằm loại bỏ ma sát để đảm bảo tàu di chuyển ở tốc độ cao nhất có thể.

Trung Quốc nhập hội phát triển tàu chạy 1.000 km/giờ trong đường ống - Ảnh 1.

Một tàu điệm từ của Trung Quốc trong quá trình thử nghiệm chạy trong đường ống

TẬP ĐOÀN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHIỆP HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ TRUNG QUỐC

Trung Quốc gia nhập cuộc đua hyperloop

Theo kế hoạch của Trung Quốc, các tàu đệm từ sẽ chạy trong một đường ống dài khoảng 150 km. Theo dự tính, các tàu có thể di chuyển với tốc độ lên tới 1.000 km/giờ. Bắc Kinh cho biết ý tưởng này có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng giao thông vận tải và là một giải pháp tối ưu để vận chuyển người và hàng hóa.

Học viện Kỹ thuật Trung Quốc là đơn vị chịu trách nhiệm tham vấn khoa học và công nghệ cho chính phủ. Theo đó, các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu của học viện sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành, thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.

Các nhà khoa học tham gia dự án cho biết các chuyên gia của Học viện và các quan chức đường sắt Trung Quốc đã tiến hành đánh giá toàn diện các địa điểm tiềm năng để xây dựng tuyến tàu siêu tốc. Các ứng viên tiềm năng bao gồm Bắc Kinh - Thạch Gia Trang, Quảng Châu - Thâm Quyến và Thành Đô - Trùng Khánh.

Dẫn dầu cuộc đánh giá nói trên là chuyên gia Trương Vân Kiều, kỹ sư cao cấp của Tập đoàn tư vấn và thiết kế kỹ thuật đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Theo nhóm của chuyên gia Trương, họ đã xem xét một số yếu tố bao gồm tiềm năng kinh tế và tính khả thi về kỹ thuật của các tuyến đường nói trên. 

Nguồn tin của South China Morning Post cho biết tuyến Hàng Châu - Thượng Hải chứng minh được tính khả thi và sinh lợi nhiều nhất cho Trung Quốc. Tuyến đường được đánh giá là có tiềm năng kinh tế mạnh do địa hình tương đối bằng phẳng, mật độ dân số cao và hoạt động kinh tế sôi động ở cả 2 thành phố.

Theo chuyên gia Trương và cộng sự, dự án hyperloop “có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc” và hệ thống tàu siêu tốc dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2035.

Thách thức kỹ thuật

Một số chuyên gia kỹ thuật tin rằng kinh nghiệm xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc có thể được tận dụng để tăng tốc độ phát triển hyperloop. Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ cần thiết cho hệ thống hyperloop vẫn đang ở giai đoạn đầu và có nhiều thách thức kỹ thuật Bắc Kinh cần phải vượt qua trước khi triển khai trên quy mô lớn.

Trung Quốc nhập hội phát triển tàu chạy 1.000 km/giờ trong đường ống - Ảnh 2.

Mô hình hệ thống hyperloop của Trung Quốc

TẬP ĐOÀN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHIỆP HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ TRUNG QUỐC

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho một hệ thống hyperloop, bao gồm các đường ống áp suất thấp và các trạm chuyên dụng, sẽ cần đầu tư và chuyên môn đáng kể.

Ngoài ra, các vấn đề về vận hành là pháp lý cũng đặt ra nhiều thách thức cho Trung Quốc. Hiện tại không có quy định nào cho việc vận hành các hệ thống hyperloop, điều này có thể gây cản trở về mặt pháp lý và cũng như thiếu quy định cho việc triển khai chúng. Ngoài ra, do các tàu đệm từ trường di chuyển với tốc độ cực cao trong môi trường chân không, an toàn cũng sẽ là mối quan tâm chính cần được giải quyết thông qua các quy trình phát triển và thử nghiệm nghiêm ngặt.

Đài CNN trước đó dẫn lời bà Alisyn Malek, đồng sáng lập công ty sản xuất xe tự hành May Mobility (Mỹ) và là chuyên gia về giao thông đô thị và tàu điện ngầm, trả lời câu hỏi "Liệu hyperloop có được đưa vào hoạt động trong năm 2050 không?".

Theo bà Malek, hyperloop là một công nghệ rất thú vị. Tuy nhiên, nếu nghĩ về việc đưa hyperloop vào thực tế, các chuyên gia phải bắt đầu tính cách xây dựng cơ sở hạ tầng, cách đảm bảo mọi người có thể tiếp cận và hàng loạt vấn đề khác.

"Vì vậy, khi chúng ta nhìn vào cơ hội của hyperloop trong tương lai, vấn đề không phải là 'công nghệ đã sẵn sàng chưa?' Vấn đề thực sự là liệu cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng hay chưa và cách chúng ta áp dụng cũng như triển khai cơ sở hạ tầng đó như thế nào".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.