Trung Quốc nhân bản vô tính khỉ vàng khỏe mạnh đầu tiên

Khánh An
Khánh An
17/01/2024 11:01 GMT+7

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học thần kinh ở Trung Quốc công bố nhân bản thành công chú khỉ vàng khỏe mạnh bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng.

Trung Quốc nhân bản vô tính khỉ vàng khỏe mạnh đầu tiên- Ảnh 1.

Chú khỉ Retro 2 tuổi được nhân bản vô tính

AFP

Các nhà khoa học ở Trung Quốc ngày 16.1 công bố nhân bản vô tính thành công chú khỉ vàng khỏe mạnh đầu tiên, là chú khỉ 2 tuổi tên Retro, bằng cách điều chỉnh quy trình tạo ra cừu Dolly, theo AFP.

Các loài linh trưởng rất khó nhân bản và các nhà khoa học đã vượt qua nhiều năm thất bại bằng cách thay thế các tế bào nhân bản sẽ trở thành nhau thai bằng các tế bào từ phôi bình thường.

Họ hy vọng kỹ thuật mới sẽ giúp tạo ra những con khỉ vàng giống hệt nhau để có thể thử nghiệm trong nghiên cứu y học. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bên ngoài cảnh báo rằng tỷ lệ thành công của phương pháp mới vẫn còn rất thấp, đồng thời đặt ra những câu hỏi về đạo đức xung quanh việc nhân bản.

Kể từ quá trình nhân bản lịch sử tạo ra chú cừu Dolly bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT) vào năm 1996, hơn 20 loài động vật khác nhau đã được tạo ra bằng quy trình này, bao gồm chó, mèo, lợn và trâu bò.

Tuy nhiên, sau gần 2 thập niên, các nhà khoa học mới có thể cho sinh sản vô tính những con linh trưởng đầu tiên bằng SCNT. Các nhà khoa học tập trung vào SCNT một phần vì nó có thể tạo ra nhiều bản sao hơn, với mục tiêu tạo ra những con khỉ giống hệt nhau để nghiên cứu nhiều loại bệnh cũng như thử nghiệm thuốc.

Một cặp khỉ đuôi dài giống hệt nhau được tạo ra bằng SCNT vào năm 2018 bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học thần kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải.

Nhưng bước đột phá đó, được tiến hành bởi chuyên gia Cường Sơn tại viện, chỉ mang lại kết quả thành công chưa đến 2%. Ông Cường cũng là tác giả cao cấp của nghiên cứu mới, được công bố trên chuyên san Nature Communications.

Chuyên gia này cho biết nhóm của ông đã tích cực xem xét lại những nỗ lực thất bại trước đó. Theo ông, một trong những vấn đề lớn là nhau thai của phôi nhân bản có những dấu hiệu bất thường so với phôi từ thụ tinh trong ống nghiệm.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thay thế các tế bào sẽ trở thành nhau thai, được gọi là nguyên bào nuôi, bằng những tế bào từ phôi khỏe mạnh và không nhân bản.

Các tế này cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi đang phát triển và biến thành nhau thai cung cấp ô xy và các yếu tố hỗ trợ sự sống khác cho bào thai, giúp "cải thiện đáng kể tỷ lệ nhân bản thành công bằng SCNT" và dẫn đến sự ra đời của Retro, theo ông Cường.

Tuy nhiên, nhà khoa học Lluis Montoliu tại Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia Tây Ban Nha chỉ ra rằng chỉ có 1 trong số 113 phôi đầu sống sót, có nghĩa là tỷ lệ sống chưa đến 1 %.

Theo ông, nếu con người muốn được nhân bản thì các loài linh trưởng khác sẽ phải được nhân bản trước.

Nhưng cho đến nay, hiệu quả kém của những nỗ lực này đã cho thấy rằng nhân bản con người không chỉ là không cần thiết và gây tranh cãi, mà nếu cố gắng thực hiện sẽ cực kỳ khó khăn, cũng như không thể biện minh được về mặt đạo đức, theo ông Montoliu.

Ông Cường nhấn mạnh rằng việc nhân bản con người là "không thể chấp nhận" trong bất cứ tình huống nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.