Trước thông tin chính phủ yêu cầu không tăng học phí, sinh viên nói gì?

02/08/2023 14:36 GMT+7

Mức tăng học phí dự kiến năm 2023-2024 đã kéo theo nhiều nỗi lo về vấn đề học tập và sinh hoạt của sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên phần nào 'nhẹ gánh' khi biết thông tin chính phủ vừa yêu cầu không tăng học phí.

Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 của Chính phủ năm 2021, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương sửa nghị định này theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024, trình Chính phủ trước ngày 8.8.

Hy vọng không còn… "lao đao"

Thông tin trên đã khiến không ít sinh viên phấn khởi vì được giảm nhẹ gánh nặng sau thời gian lo lắng học phí năm tới tăng cao.

Trong số đó, Nguyễn Đỗ Mỹ Hiền (sinh viên khóa 25, chuyên ngành quan hệ lao động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) không giấu được niềm vui nói: "Vậy là sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi học tập".

Được biết, gia đình Hiền ở quê có hai em nhỏ và ba không còn khả năng lao động. Vì thế, cả Hiền và mẹ phải chật vật xoay xở tiền học trong năm học mới. Trước đó, Hiền vừa đi làm thêm, vừa vay vốn học tập để giúp đỡ mẹ phần nào. Tuy vậy, số tiền trên so với mức học phí và sinh hoạt phí trong tương lai chẳng đáng là bao khiến nữ sinh và gia đình vẫn lâm vào cảnh túng thiếu.

"Đã có lúc, tôi suy nghĩ không biết có nên nghỉ học để đi làm hay không. Nhưng tôi không cam tâm vì hết hè này mình đã lên năm 3 rồi. Dẫu vậy, tôi không biết mình và gia đình có thể cáng đáng đến khi nào với mức học phí tăng cao", nữ sinh nói. Do đó, yêu cầu không tăng học phí của Chính phủ đã phần nào mở ra tia hy vọng mới cho sinh viên này.

Trước thông tin chính phủ yêu cầu không tăng học phí, sinh viên nói gì? - Ảnh 1.

Nỗi lo học phí trong năm học mới khiến không ít sinh viên chật vật

SHUTTERSTOCK

Không chỉ riêng Hiền, nếu học phí sẽ được giữ ở mức ổn định, không tăng trong năm học 2023-2024, thì các sinh viên khác có thể tích góp tiền để thực hiện được những kế hoạch học tập đã đề ra như học vượt và thi các chứng chỉ tiếng Anh, Tin học.

Chẳng hạn, Thu Trang (sinh viên khóa 37, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) từng nhận được thông báo trường tăng từ 290.000 đồng/tín chỉ lên 444.000 đồng/tín chỉ. Nữ sinh viên chia sẻ: "Tôi định đầu tư một số tiền vào việc học những chứng chỉ đầu ra, đồng thời đăng ký thêm tín chỉ để học vượt, nhưng tạm gác lại mọi kế hoạch vì thông báo của nhà trường và gia đình không đủ điều kiện kinh tế để hỗ trợ tôi".

Giờ đây, tuy học phí không tăng nhưng Trang vẫn sẽ tìm công việc làm thêm liên quan đến ngành học để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải phí sinh hoạt trong tương lai.

Những sinh viên như Hiền và Trang chỉ mong rằng bản thân và gia đình không còn "lao đao" bởi nỗi lo học phí, giúp con đường chinh phục tấm bằng ĐH không bị gián đoạn.

Trước đó, căn cứ Nghị định 81, các trường ĐH đã lần lượt công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho năm học 2023-2024. Theo Nghị định 81, từ năm học 2023-2024, học phí ĐH công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình đào tạo. Trường công lập chưa tự chủ tăng dao động từ 12-24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng; các trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được thu 24-49 triệu đồng/năm, trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 triệu đến hơn 61 triệu đồng/năm. Nhìn chung, mức tăng phổ biến là 10-20%, có sự khác biệt giữa các khóa và nhóm ngành đào tạo. Điều này khiến nhiều sinh viên lo lắng.

Những chính sách hỗ trợ sinh viên

Dù Chính phủ vừa yêu cầu không tăng học phí trong năm học 2023-2024 nhưng học phí vẫn là nỗi lo cho sinh viên. Vì thế, Nhà nước chủ trương áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ học phí như tín dụng học tập; học bổng khuyến học; chính sách miễn, giảm học phí cho đối tượng đặc biệt hoặc ngành đặc thù...

Về tín dụng học tập, mỗi sinh viên được vay vốn học tập tối đa 4 triệu đồng/tháng, tức tối đa tương đương 40 triệu đồng/năm học 10 tháng. Sinh viên được vay vốn khi là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Trước thông tin chính phủ yêu cầu không tăng học phí, sinh viên nói gì? - Ảnh 3.

Sinh viên mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm học tập, hoàn thành chương trình ĐH

SHUTTERSTOCK

Còn về chế độ liên quan tới học bổng và trợ cấp xã hội, Nhà nước sẽ cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học đạt kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở các cơ sở giáo dục ĐH…

Các trường ĐH hỗ trợ sinh viên ra sao?

Trong năm học tới, một số trường ĐH chủ động xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên bao gồm học bổng khuyến khích học tập; chính sách miễn, giảm học phí theo quy định của Nhà nước…

Chẳng hạn, tiến sĩ Võ Văn Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, chia sẻ: "Việc hỗ trợ sinh viên nằm trong kế hoạch năm học mới của trường và đang được tiến hành từng bước thông qua tham mưu ý kiến của HĐND tỉnh. Trường sẽ tăng cường nguồn học bổng tài trợ-hợp tác để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tấm gương học giỏi vượt khó".

Ngoài chuyên ngành triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được miễn học phí theo quy định Nhà nước, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM còn áp dụng miễn học phí đối với 2 chuyên ngành khác là lịch sử Đảng và chủ nghĩa xã hội khoa học.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.