Trường học lục cặp, soát người học sinh có vi phạm luật?

06/10/2023 17:58 GMT+7

Những ngày qua, dư luận xôn xao với nhiều ý kiến tranh luận trước việc Trường THCS-THPT Đông Du (Đắk Lắk) lục cặp, soát người học sinh khi vào lớp.

 Trường học lục cặp, soát người học sinh vi phạm luật  gì?   - Ảnh 1.

Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết Trường THCS-THPT Đông Du đã dừng việc kiểm tra cặp sách, soát người học theo chỉ đạo của Sở

CTV

Tới hôm nay, 6.10, dù Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu dừng ngay việc lục cặp, soát người học sinh ở trường này nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh và học sinh.

Đề cao tính tự giác của học sinh

Những năm gần đây, khi việc sử dụng internet và các thiết bị điện tử hỗ trợ việc học dần trở nên phổ biến, nhiều trường học thoải mái hơn trong việc cho phép học sinh mang điện thoại, laptop. 

Nguyễn Thị Cẩm My, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP.HCM cho biết trường để cho học sinh tự giác tuân thủ nội quy nên không lục cặp sách, soát người học sinh để kiểm tra xem có mang vật cấm hay không.

“Mình sẽ khó chịu và không thoải mái nếu bị kiểm tra vì trong cặp đều là những đồ dùng thiết yếu và riêng tư. Bên cạnh đó, mình nghĩ với cách giảng dạy và tiếp cận bài học hiện nay thì nhà trường nên thoáng hơn về vấn đề đem điện thoại đến trường học. Nhà trường có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi có được sự đồng ý của giáo viên để phục vụ cho những hoạt động cần thiết như thuyết trình và thảo luận nhóm”, Cẩm My chia sẻ.

Nhiều ý kiến lo ngại ngoài điện thoại, học sinh có thể mang dao, chất cấm vào trường dẫn tới tệ nạn học đường nên việc thầy cô lục cặp, soát người học sinh là có lý. Tuy nhiên, Cẩm My bày tỏ khi nhà trường yêu cầu không được mang những vật dụng nào đến trường thì học sinh phải tự ý thức và chấp hành nghiêm túc quy định đó, tránh việc nhà trường dùng biện pháp kiểm tra đồ dùng cá nhân.

Cô T.K.L, một phụ huynh 47 tuổi tại TP.HCM, cho hay: "Tôi chưa từng kiểm tra cặp sách của con vì tôi luôn tin tưởng con. Nếu tôi phát hiện con mang thuốc lá hay mang cái gì vi phạm vào lớp hoặc bị thầy cô phản ánh thì tôi sẽ giải thích, giáo dục con”.

Cô Trịnh Thị Nghĩa Thảo, giáo viên toán Trường Quốc tế Á Châu (TP.HCM), cho rằng trong trường hợp cấp bách vẫn có thể xét cặp sách của học sinh. Tuy nhiên, việc kiểm tra đồ của học sinh nên được riêng tư, không công khai. Đây là cách có thể làm để tránh trường hợp các bạn gian lận hay mang chất cấm đến lớp. Bên cạnh đó, cần thông báo trước với học sinh lý do phải khám xét đồ dùng, không được đột nhiên hay tùy tiện kiểm tra vì điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh, vi phạm quyền riêng tư.

 Trường học lục cặp, soát người học sinh vi phạm luật  gì?   - Ảnh 2.

Lục cặp, soát người học sinh vi phạm quyền trẻ em, theo luật sư

CTV

Tâm lý học sinh sẽ bị ảnh hưởng nặng

Chị Cao Ngọc Hồng Nhung, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc nhà trường lục cặp, soát người học sinh khi đến trường xuất phát từ mục đích muốn tốt cho các em, bảo vệ chính các em cũng như nhà trường. Tuy nhiên, chính học sinh lại là người chịu tác động tâm lý rất lớn từ việc làm này.

“Việc lục cặp, soát người học sinh, dù là học sinh còn nhỏ tuổi, là đang xâm phạm quyền nhân thân khiến các em cảm thấy bối rối khi những đồ vật cá nhân bị người khác nhìn thấy. Tâm lý học sinh sẽ dần dần cảm thấy bất an, tự ti, dễ xấu hổ, thậm chí là mất niềm tin vào người khác vì chính các em không được tin tưởng”, chị Nhung cho hay.

Theo chị Nhung, vấn đề này nên được giải quyết từ cốt lõi bởi con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, vì thế việc giáo dục gia đình rất quan trọng. “Bố mẹ cần đảm bảo cho con đủ kỹ năng nhận biết đồ vật cần thiết, không cần thiết hoặc dễ gây nguy hiểm. Ngoài ra, cũng cần triển khai và có phương án phối hợp giữa nhà trường và gia đình một cách tế nhị, hiệu quả, nhằm đảm bảo an toàn cho các em nhưng không gò bó và phản cảm”, chị Nhung chia sẻ.

Vi phạm luật Trẻ em

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, khẳng định không có quy định nào cho phép thầy cô, nhà trường lục cặp, soát người học sinh. Hành vi này vi phạm luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực từ ngày 1.6.2017) trừ trong một số tình huống đặc biệt.

“Việc trường lục lọi, kiểm soát từng học sinh là vi phạm quyền riêng tư, cá nhân của học sinh, có thể khiến các em tổn thương về tinh thần. Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục an toàn, thân thiện để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc. Chính vì vậy, cần đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng cũng phải thực hiện đúng pháp luật”, bà Ngọc Nữ khẳng định.

Việc lục soát cặp, ba lô học sinh ở các nước ra sao?

Mỗi quốc gia trên thế giới như Mỹ có quy định, điều luật riêng nhưng nhìn chung nhà trường, giáo viên được phép lục soát cặp sách, ba lô, tủ đựng đồ của học sinh nếu có lý do chính đáng, theo báo cáo của tổ chức ASCD (Hiệp hội thanh gia giáo dục và phát triển chương trình Mỹ). 

Chẳng hạn, nhà trường có thể lục soát nếu nghi ngờ học sinh mang theo ma túy, rượu, vũ khí, các vật dụng bị cấm khác. Tuy nhiên, việc lục soát phải được tiến hành trong phạm vi phù hợp, tức giới hạn ở mức cần thiết để đạt được mục đích chính đáng của việc tìm kiếm.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường (nhất là học sinh mang theo vũ khí vào lớp), một số trường ở Mỹ áp dụng các nội quy gây tranh cãi như: học sinh phải mang ba lô trong suốt; cấm học sinh mặc áo hoodie (loại áo khoác có mũ trùm đầu) để dễ nhận dạng. Một số trường còn trang bị máy rà kim loại (như ở sân bay) để ngăn chặn học sinh mang theo vũ khí, súng sau những vụ xả súng ở trường học.

Phúc Duy



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.