Từ 15.8, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn

03/07/2023 18:09 GMT+7

Chính phủ quy định rõ, từ 15.8, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 43/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thanh tra. Nghị định có hiệu lực kể từ 15.8.

Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn

Theo điều 48 của nghị định, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

Từ 15.8, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn - Ảnh 1.

Từ 15.8, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh

TUYẾN PHAN

Ngoài ra, việc đăng tải kết luận thanh tra trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Đồng thời, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau: công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 2 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt khi có bằng chứng

Điều 46 của nghị định nêu rõ, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm hoặc đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình hoặc chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép.

Việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như dưới đây.

Đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra.

Đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với tài sản là động sản và giấy tờ có giá trị thì căn cứ vào tình hình thực tế, người ra quyết định thanh tra giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn nghiệp vụ để quản lý.

Đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực bảo quản hàng hóa có yêu cầu đặc biệt để quản lý.

Từ 15.8, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn - Ảnh 2.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận một cuộc thanh tra

TTCP

Không được làm trưởng đoàn nếu bố mẹ, con cái có liên quan

Vẫn theo nghị định, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia đoàn thanh tra: người góp vốn vào doanh nghiệp, có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

Tương tự, những người thuộc diện nêu trên, hoặc có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, thì không được làm trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra.

Thanh tra lại nếu có dấu hiệu vi phạm

Một nội dung quan trọng khác được Nghị định 43/2023 quy định chi tiết, đó là về vấn đề thanh tra lại.

Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh.

Chánh thanh tra bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra tổng cục, thanh tra cục và tương đương, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chánh thanh tra tỉnh quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của thanh tra sở, thanh tra cấp huyện.

Việc thanh tra lại được tiến hành khi có căn cứ cho rằng có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hoặc người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.