Từ ban công thành phố sáng tạo

25/09/2022 06:13 GMT+7

Cho tới giờ, chương trình âm nhạc nổi tiếng nhất gắn với phố đi bộ hồ Gươm ( Hà Nội ) chính là những buổi diễn của dàn nhạc giao hưởng London LSO, mỗi năm một lần.

Nhạc sĩ kỹ tính Quốc Trung là người tổ chức chương trình âm nhạc này. Bên cạnh đó, cũng có sự hỗ trợ an ninh trật tự của Hà Nội, một chương trình khác cũng mang dấu ấn Quốc Trung, Festival âm nhạc Gió mùa, cả bộ máy quản lý nhà nước TP.Hà Nội và hàng ngàn lượt tình nguyện viên đã chung tay.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dưới quyền Sở VH-TT Hà Nội cũng đang có các hoạt động trên phố đi bộ hồ Gươm nhưng không nhiều và thiếu màu sắc đa dạng. Có kịch của Nhà hát kịch Hà Nội, một số buổi diễn khác của các nhà hát truyền thống. Không thể nói, những buổi diễn đó có được số công chúng đáng mong đợi như buổi diễn của ca sĩ Tuấn Hưng - người vừa bị phạt vì hát không phép vừa rồi.

Nói vậy, để thấy, phố đi bộ hồ Gươm còn thiếu chương trình âm nhạc thường kỳ thu hút công chúng trẻ. Cũng để hiểu hơn, vì sao khi Tuấn Hưng tổ chức live ngay trên ban công phố cổ nhà mình, lại có đông người xem. Rõ ràng, một chương trình nhẹ nhàng tươi vui, có hơi hướng thị trường, là điều con phố đi bộ này còn thiếu. Chương trình đó, dù bị phạt vì không xin phép, cũng cho thấy còn không an toàn về an ninh cho khán giả.

Tuấn Hưng là một ca sĩ được nhiều người yêu thích. Anh có nhạc mục nhẹ nhàng, dễ thương và cũng sáng sân khấu. Khi Tuấn Hưng hát cho công chúng miễn phí, với lợi thế ban công nhà mình, phố đi bộ bỗng dưng có thêm một điểm đến mới. Nó cũng là một nguồn lực sáng tạo từ trong dân, muốn đến với dân, trong không gian của phố đi bộ mà không phải phố đi bộ nào khác ở TP.HCM hay bất kỳ đâu có được. Chấp nhận cho Tuấn Hưng hát, với những điều kiện hỗ trợ an ninh, Q.Hoàn Kiếm đã thu nhận nguồn lực này và mở ra một tiền lệ cho hoạt động văn hóa ở phố đi bộ. Như vậy, phố đi bộ có thể có nhiều điểm hoạt động văn hóa hơn, đa dạng hơn và xã hội hóa hơn.

Có lẽ, đã đến lúc, cần đẩy nhanh hơn các hợp tác công tư trong việc biểu diễn ở các khu phố đi bộ cũng như không gian công cộng. Nếu các nghệ sĩ muốn hát miễn phí thì chính quyền cũng có thể hỗ trợ an ninh, trật tự - hướng dẫn và quy định về âm thanh trong khuôn khổ pháp luật. Như vậy, hôm nay là Tuấn Hưng, mai là nhiều ca sĩ khác, kể cả những nghệ sĩ trẻ, mới vẫn còn chưa kịp thành danh. Đời sống văn hóa của người dân cũng sẽ vì thế mà được nâng lên.

Hà Nội là một thành phố sáng tạo. Để đi tiếp con đường thành phố sáng tạo ấy, cái cần từ phía nhà quản lý là sáng tạo sao cho ra cơ chế để các nghệ sĩ có thể cống hiến nhiều hơn như chính mong muốn của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.