Lan tỏa trên mạng xã hội:

Từ ngồi xe lăn bán vé số trở thành thạc sĩ công nghệ

09/12/2023 09:24 GMT+7

Bị liệt 2 chân sau cơn sốt lúc nhỏ, trưởng thành trong hoàn cảnh đầy sóng gió… nhưng anh Nguyễn Minh Hảo (38 tuổi, quê Kiên Giang, đang làm việc ở TP.HCM) đã vươn lên trở thành thạc sĩ công nghệ, chuyên phát triển ứng dụng AI hỗ trợ người khuyết tật.

VIẾT LẠI TÊN MÌNH

Anh Hảo kể mình sinh ra với cơ thể khỏe mạnh bình thường, nhưng cơn sốt năm 3 tuổi đã khiến anh bị bại liệt. Lớn lên anh chỉ có thể di chuyển bằng cách lê cả cơ thể. Khi thấy các bạn cùng lứa được mặc đồng phục đến trường, anh cũng muốn đi học. "Lúc đó chưa có xe lăn để đi, muốn đến trường phải biết bơi. Tôi năn nỉ mãi, mẹ mới bảo là khi nào biết bơi mới cho đi học. Thế là tôi tự học bơi bằng bắp chuối, trái dừa khô", anh kể.

10 tuổi, Hảo được đến trường, rồi cố gắng học vượt, được thầy cô thương cho đặc cách lên thẳng lớp 5. "Mẹ đi bán gạo, rồi cõng tôi đi học trong học kỳ 1 lớp 5, còn cả quãng đường đi học của tôi sau này là nhờ một người bạn trong lớp", anh kể.

Từ ngồi xe lăn bán vé số trở thành thạc sĩ công nghệ - Ảnh 1.

Anh Hảo tìm thấy niềm đam mê của mình ở ngành công nghệ thông tin

Uyển Nhi

Học xong THPT, ba mẹ động viên anh thi đại học. Ban đầu, anh định học ngành y dược, nhưng một lần ra quán net tìm kiếm tài liệu, được thấy máy vi tính rồi những kiến thức mình tiếp thu được từ internet, anh càng lúc càng tò mò thích thú, và sau đó chuyển hướng thi công nghệ thông tin.

Từ ngồi xe lăn bán vé số trở thành thạc sĩ công nghệ - Ảnh 2.

Được miễn học phí khi học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhưng gặp lúc mẹ bệnh nặng phải nằm viện nên anh đi bán vé số để phụ tiền ăn, mua sách, học lập trình. Vận xui rủi vẫn chưa buông tha khi Hảo gặp tai nạn giao thông lúc đi bán. Nằm viện chữa trị kéo dài gần nửa năm, anh thôi học. Quyết tâm "viết lại tên mình", năm 2008 anh đậu Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP.HCM. Lúc này, anh tìm được công việc trực quán net, vừa có tiền, vừa được xài máy tính miễn phí cho việc học lập trình, nên anh càng quyết tâm, cố gắng hơn, tích góp để mua được một chiếc xe 3 bánh.

"Tôi cố gắng săn nhiều giải thưởng tại các cuộc thi viết online. Thời gian ngồi quán net, tôi biết đến học bổng "Người bạn đồng hành" của Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) nên ứng tuyển. Tôi được cấp học phí, sinh hoạt phí mỗi tháng", anh cho hay.

PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG, XÓA BỎ RÀO CẢN

Năm 2014, anh Hảo tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, rồi làm việc 3 năm cho một công ty nước ngoài. Sau đó, anh học thạc sĩ khoa học máy tính ở Trường ĐH Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2019 tốt nghiệp rồi về làm việc ở Trung tâm DRD. "Vào làm việc ở đây, gặp gỡ nhiều người khuyết tật khác, được đi đó đi đây, tôi như một con người mới, lúc này thấy đời rất đẹp. Được nghiên cứu và phát triển các ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật, giúp đỡ nhiều người, tôi thấy cuộc sống có nghĩa hơn nhiều", anh tâm sự.

Từ ngồi xe lăn bán vé số trở thành thạc sĩ công nghệ - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Minh Hảo - thành viên Trung tâm DRD

Anh Hảo say sưa kể về công nghệ, AI bây giờ đáp ứng nhu cầu cho từng dạng tật khác nhau. "Tuy nhiên ít có ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật ở VN, chủ yếu của nước ngoài như của các tập đoàn Microsoft, Google. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao đưa công nghệ, AI phù hợp với người khuyết tật nước mình. Khi phát triển các ứng dụng, được mọi người sử dụng tôi sướng lắm và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn", anh Hảo nói.

Anh Hoài Nhân (34 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM), đang sử dụng phần mềm NVDA hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy vi tính do anh Hảo giới thiệu, nói: "Thay vì nhờ sự trợ giúp của người xung quanh thì tôi có thể tự do làm việc trên máy tính. Tôi cảm ơn những người phát triển ứng dụng để người khuyết tật có cuộc sống thuận lợi hơn". Anh Đỗ Văn Tiên (32 tuổi, ở H.Long Thành, Đồng Nai), khuyết tật vận động, đang sử dụng ứng dụng D.Map, cho hay: "Ứng dụng này rất hay và thuận tiện, trước khi đi tới địa điểm nào đó, tôi có thể dò trước để xem chỗ đó có thang máy, hay nhà vệ sinh... phù hợp cho người khuyết tật hay không".

Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm DRD: "Hảo có chuyên môn, chịu khó. Nhờ Hảo, đơn vị có thể xây dựng sổ tay hướng dẫn sử dụng các phần mềm tiếp cận dành cho người khuyết tật gửi tới các mạng lưới tổ chức của người khuyết tật, các đối tác đang làm dự án hỗ trợ. Trung tâm DRD hy vọng những ứng dụng này có thể giúp người khuyết tật tăng cường các cơ hội học tập và làm việc, cơ hội hòa nhập".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.