Tu theo hạnh đầu đà là gì?

16/05/2024 11:07 GMT+7

Đầu đà nghĩa là khổ hạnh. Người tu theo hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở. Người thực hành hạnh này sẽ dễ thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp.

Tu hạnh đầu đà là gì?

Hòa thượng Thích Chân Tính cho biết, thời Đức Phật còn tại thế, có rất nhiều vị tu hành chứng đắc quả vị A La Hán. Trong hàng đệ tử xuất gia của Thế Tôn có 80 vị được xếp vào hàng Đại Thanh Văn, đây là những bậc Thánh có đức hạnh đặc biệt xuất sắc. Trong đó, ngài Đại Ca Diếp được mệnh danh Đầu đà đệ nhất.

Theo hòa thượng, đầu đà nghĩa là khổ hạnh. Người tu theo hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở. Người thực hành hạnh này sẽ dễ thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp.

Hòa thượng Thích Chân Tính dẫn chứng, trong Phật Quang đại từ điển có nêu người tu hạnh đầu đà thực hành 12 pháp khổ hạnh. Còn trong Thanh Tịnh Đạo Luận người tu hạnh đầu đà chuyên hành trì 13 pháp khổ hạnh.

13 pháp khổ hạnh đó là:

  1. Hạnh mặc y phấn tảo: nghĩa là vải may y nhặt ở lề đường, nghĩa địa, đống rác...
  2. Hạnh ba y: nghĩa là sử dụng những miếng vải chắp vá lại thành y. Chỉ dùng ba y không nhận thêm y thứ tư.
  3. Hạnh khất thực: nghĩa là dùng thức ăn bằng cách đi xin. Xin ngày nào ăn ngày đó không để dành.
  4. Hạnh khất thực từng nhà: nghĩa là đi khất thực theo thứ tự, không phân biệt giàu nghèo.
  5. Hạnh nhất tọa thực: nghĩa là ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Hoặc không ăn nhiều lần trong ngày.
  6. Hạnh ăn bằng bát: Chỉ ăn những thức ăn xin được trong bình bát, không nhận bát thứ hai.
  7. Hạnh không để dành đồ ăn: không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong.
  8. Hạnh ở rừng: nghĩa là chỉ ở rừng không ở làng xóm.
  9. Hạnh sống bên gốc cây: nghĩa là chỉ ở gốc cây, không sống ở nhà.
  10. Hạnh ở giữa trời: nghĩa là chỉ ở ngoài trời không sống trong nhà, dưới tán cây.
  11. Hạnh ở nghĩa địa: nghĩa là chỉ sống ở nghĩa địa.
  12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được.
  13. Hạnh ngồi không nằm: nghĩa là chỉ ngồi không nằm, khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.
Theo hòa thượng Thích Chân Tính, người tu theo hạnh đầu đà sẽ dễ thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp.

Theo hòa thượng Thích Chân Tính, người tu theo hạnh đầu đà sẽ dễ thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp.

Như vậy, theo hòa thượng Thích Chân Tính, chúng ta có thể tóm tắt về 13 hạnh đầu đà như sau:

Thứ nhất về việc mặc: người tu hạnh đầu đà chỉ mặc ba y, không nhận thêm y thứ tư. Vải lượm ở nghĩa địa, ngoài đường, đống rác đem về chắp vá khâu lại thành y để mặc, gọi là y phấn tảo. Không nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường.

Thứ hai về việc ăn: người tu hạnh đầu đà chỉ ăn thức ăn trong bình bát, ăn bằng cách đi khất thực, khi khất thực phải đi tuần tự từng nhà, không phân biệt nhà giàu nhà nghèo, không phân biệt thực phẩm ngon dở, ăn ngày một bữa, ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Không cất chứa hoặc để dành thức ăn qua ngày hôm sau.

Thứ ba về việc ở: người tu hạnh đầu đà ở gốc cây, ở rừng, ở nghĩa địa, ở giữa trời, ở chỗ nào cũng được miễn là an toàn, an ninh, đặc biệt chỉ ngồi không nằm khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.

Công dụng của pháp đầu đà là để rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc và ngăn ngừa lòng tham dục. Trong điều kiện sống ngày nay, khó ai có thể thực hành được mười ba hạnh đầu đà này.

Mở rộng lòng, giúp gieo hạt giống lành

Một vị thượng tọa khác cũng cho biết, hạnh đầu đà là tiếng Pali nguyên thủy (Dhutanga), được giữ nguyên, có thể hiểu tu theo hạnh đầu là hình thức tu khổ hạnh. Ngày trước, Đức Phật Thích Ca là thái tử trong hoàng cung đi ra. Ngài từng sống trong sự hưởng thụ, xa hoa và nói rằng đó là một cực đoan.

Do đó, 6 năm ngài ép xác khổ hạnh, chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng, ngài nói không thể có trí tuệ trong một thân thể bệnh hoạn, kém chất; ngài nói ép xác khổ hạnh cũng là một con đường cực đoan. Ngài đã uống bát sữa, từ bỏ con đường tu khổ hạnh để trở lại đời sống bình thường và giây phút đó ngài bắt đầu thấy đạo.

Cũng theo vị thượng tọa, khổ hạnh là một pháp môn do những người đệ tử của Đức Thế Tôn chọn lựa, ngài tôn trọng những thánh hạnh mà mình và đệ tử của mình đã đi qua.

Ngày xưa có tôn giả Đại Ca Diếp - một đệ tử lớn của Đức Thế Tôn xin phép khổ hạnh và được ngài chấp nhận.

Tu khổ hạnh cao đẹp ở chỗ giúp người tu dẹp bỏ được bản ngã, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh

Tu khổ hạnh cao đẹp ở chỗ giúp người tu dẹp bỏ được bản ngã, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh

V.P

Ghé thăm tu viện mát lành tràn ngập cây xanh: nơi yêu từng ngọn cỏ, hơi thở

Khổ hạnh là cầm bình bát đi khất thực không phân biệt là khá giả hay khó khăn, đi mắt nhìn xuống và tối ngủ ở gốc cây, không ngủ 2 đêm một chỗ, những tấm y lấy ở rác, bãi tha ma, chắp vá lại để mặc. Mỗi ngày tập trung cho mình thiền định để giải thoát, giác ngộ.

Những người khổ hạnh thường ở chốn rừng sâu. Đức Phật quy định đi khất thực chỉ đi vào buổi sáng, quá 12 giờ trưa là không đi được nữa, có cơm hay không cũng ngồi dưới gốc cây, ăn cơm đúng 1 lần trong buổi trưa ngồi ăn 1 lần rồi đứng lên thì không ăn nữa. Buổi chiều dành nhiều thời giờ để thiền quán, thiền hành, ôn lại những lời dạy của Đức Thế Tôn.

Tu khổ hạnh cao đẹp ở chỗ giúp người tu dẹp bỏ được bản ngã, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Tức là, trên là xin giáo pháp của Đức Thế Tôn để nuôi giới thân tuệ, dưới là xin bát cơm của tín thí để nuôi thân tạm bợ này. Qua bát cơm đó để kích hoạt tâm từ bi và hạnh bố thí của con người. Đôi khi chỉ cho một miếng cơm nhưng mở rộng lòng, từ đó giúp người kia gieo hạt giống lành. Chiếc áo giải thoát của người tu đi ra ngoài còn biểu trưng cho lý tưởng giác ngộ.

Cho đến hiện nay, khất thực còn tồn tại ở Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Khất sĩ. GHPGVN có quy định không cho đi khất thực nữa; những chùa, tịnh xá có thể tổ chức trong phạm vi của chùa, tịnh xá để tái hiện lại công phu, hành trì pháp môn đó để nhắc nhở mình tu.

Theo vị thượng tọa, hiện nay, nhiều vị tu chân chính chọn cách nhập thất. Đây cũng là một hạnh khác của khổ hạnh. Trong thời gian nhập thất thì mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, uống vào buổi sáng, ăn vào buổi trưa, dành nhiều thời gian đọc kinh văn, làm mới thân tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.