Tử vong do Covid-19 tại TP.HCM về 0: Những quyết định lịch sử

Duy Tính
Duy Tính
11/02/2022 15:50 GMT+7

Những ngày qua, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM và cả nước nói chung có xu hướng tăng. Mặc dù vậy, số ca nặng và tử vong do Covid-19 tại TP.HCM vẫn tiếp tục được kéo giảm sâu.

Ngày 10.2, TP.HCM có 242 ca mắc mới, tổng số ca điều trị tầng 2, tầng 3 hiện là 618 ca.

Bệnh nhânCovid-19 xuất viện

NHƯ LỊCH

Tử vong đã về 0

Ngày 10.2, cố ca nặng có hỗ trợ ô xy tại TP.HCM là 258 ca và 88 ca thở máy, thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Điều đáng chú ý là số ca nặng thở máy xâm lấn đang điều trị tại TP.HCM thì các tỉnh chiếm gần 40% (32/81 ca vào ngày 11.2).

Tử vong ngày 10.2 tại TP.HCM 4 ca, nhưng các tỉnh chiếm đến 3 ca. Trước đó ngày 9.2, tử vong tại TP.HCM là 3 ca nhưng đều ở các tỉnh chuyển lên. Ngày tử vong cao nhất tại TP.HCM trong dịch Covid-19 là 340 ca (vào 23.8.2021)

Để kéo giảm số ca mắc Covid-19 mới, giảm ca nặng và tử vong như hiện nay, ngoài những chính sách, chiến lược mới như xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm; chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; tiêm vắc xin; điều trị, chăm sóc F0 tại nhà…thì phải kể đến những quyết định tầm quốc gia mang tính lịch sử trước đó.

Ngày đoàn tụ gia đình của chàng trai 140 kg mắc Covid-19 can thiệp ECMO kỷ lục Việt Nam

TP.HCM thụ hưởng những thành quả mang tính chiến lược

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đầu tiên là TP.HCM đã thụ hưởng những thành quả mang tính quyết định của chiến lược “ngoại giao vắc xin” của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Nhờ đó TP.HCM được ưu tiên phân bổ vắc xin và sớm trở thành một trong những địa phương đầu tiên tạo được miễn dịch cộng đồng, một nền tảng vững chắc cho sự thành công của cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Đến nay TP.HCM đã tiêm trên 19,9 triệu liều vắc xin Covid-19.

Kế đến, đó là quyết định mang tầm chiến lược của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia và của Thủ tướng Chính phủ đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến chống dịch trên địa bàn thành phố. Đó chính là triển khai khẩn cấp 525 Trạm Y tế lưu động trên phạm vi toàn thành phố nhằm giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với chăm sóc y tế với sự hỗ trợ và chi viện lực lượng quân y của Bộ Quốc phòng.

Cùng lúc đó, các thuốc A, B và C nhanh chóng được phân phát đến các Trạm Y tế lưu động. Chính các chiến sĩ quân y đã mang thuốc cùng với bình ô xy đến tận nhà người dân để cấp phát và cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth) được Hội Y học TP.HCM, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng nhiều tổ chức xã hội, tổ chức thiện nguyện khác đảm trách, đã chủ động triển khai nhiều mô hình tư vấn từ xa qua các tổng đài 1022, hướng dẫn theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà.

Mô hình Trạm Y tế lưu động cùng với các hoạt động chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người F0 đã phát huy hiệu quả làm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến; đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Quyết định mang tính lịch sử tiếp theo là quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ về chi viện lực lượng nhân viên y tế tham gia công tác chống dịch cho thành phố, với gần bộ y tế được huy động chi viện cho TP.HCM 25.000 cán chống dịch.

Cùng với quyết định cho thành lập các Trung tâm Hồi sức Covid-19 chuyên sâu do các Bệnh viện T.Ư đảm trách, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Trung ương Huế đảm trách. Bộ Y tế cũng đã huy động kịp thời đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu và điều trị Covid-19 cùng với các trang thiết bị y tế chuyên sâu để hỗ trợ TP.HCM ngay tại thời điểm đỉnh dịch đã góp phần giúp thành phố kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

TP.HCM cũng đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường). Trong đó, thành phố đã đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn ô xy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường ô xy đã tăng lên 13.000 giường ô xy).

Cùng với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM cao điểm là từ ngày 23.8.2021 đến cuối tháng 9.2021 TP.HCM cơ bản kiểm soát dịch Covid-19.

Ngày 15.9.2021, qua đánh giá sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố gắn với những tiêu chí về kiểm soát dịch của ngành y tế, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về ban hành kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM sau 15.9.2021.

Ngày 30.9.021, Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị số 18 với mục tiêu tiếp tục kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố an toàn, linh hoạt, hiệu quả, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới. TP.HCM tiếp tục thực hiện nghị Nghị quyết số 128 ngày 11.10.2021 của Chính phủ về việc xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Quyết định số 4800 ngày 12.10.2021 của Bộ Y tế ban hành về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128.

Trên cơ sở đó, ngày 16.11.2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 3900 quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Từ sau khi Nghị quyết 128 đi vào cuộc sống, đời sống của người dân trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường mới. Căn cứ vào phân loại theo bốn cấp độ dịch Covid-19 trên quy mô từ cấp thấp nhất là phường xã, nên mỗi địa phương có thể tự chủ động thực hiện đánh giá cấp độ dịch dựa trên tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, độ bao phủ vắc xin, khả năng thu dung, điều trị các tuyến.

“Đến nay cơ bản TP.HCM đã triển khai đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về công bố cấp độ dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó đem lại nhiều kết quả khả quan. Sau gần ba tháng thực hiện Nghị quyết 128, TP.HCM đã có những chiến lược mới về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.