Từ vụ TNGT tại Đắk Lắk: Giao xe cho người chưa đủ tuổi có bị xử lý?

05/07/2023 22:21 GMT+7

Từ vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 2 người chết ở Đắk Lắk, công dân hỏi Bộ Công an nếu giao xe cho người không đủ quy định về tuổi, sức khỏe hoặc không có giấy phép lái xe thì bị xử lý như thế nào?

Mới đây, công dân đã gửi câu hỏi tới Bộ Công an, nội dung liên quan đến xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn.

Theo đó, tại Đắk Lắk vừa xảy ra vụ TNGT khiến 2 người chết, do một nam thanh niên lái xe phân khối lớn khi mới 16 tuổi, chưa đáp ứng quy định về tuổi điều khiển xe. Vụ việc khiến dư luận rất xót xa, đồng thời cũng rất bức xúc, đòi truy trách nhiệm người chủ xe, giao xe.

"Trường hợp giao xe máy, ô tô cho người không đủ quy định về tuổi, sức khỏe, không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý như thế nào?", công dân đặt vấn đề.

Từ vụ tai nạn Đắk Lắk: Giao xe cho người chưa đủ tuổi có bị xử lý? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ TNGT khiến 2 người chết ở Đắk Lắk

FB

Trả lời thắc mắc trên, Bộ Công an cho biết, theo quy định của luật Giao thông đường bộ năm 2018, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định; giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ…

Luật này cũng quy định độ tuổi của người lái xe như sau: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi...

Về giấy phép lái xe, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới. Theo đó, xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên mới cần phải có giấy phép lái xe.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019, hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Mức phạt sẽ tăng lên từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm trên.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, trường hợp nếu để xảy ra tai nạn giao thông chết người, thì người cho mượn phương tiện có thể bị xử lý tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, quy định tại điều 264 bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.