Tuân thủ luật chơi

06/03/2024 04:10 GMT+7

Dự kiến, tháng 4 tới đây, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang VN lần thứ 5 để xem xét gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU.

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định.

Hồi tháng 10.2023, đoàn thanh tra cũng đã sang VN để đánh giá và dù ghi nhận nhiều tiến bộ nhưng đoàn cũng đã chỉ ra một số vấn đề, nổi bật là việc quản lý, giám sát đội tàu và truy xuất nguồn gốc.

Từ khi bị EC "rút thẻ vàng" IUU vào tháng 10.2017, VN đã gặp thiệt hại không nhỏ vì những rào cản khi tiếp cận thị trường châu Âu - một thị trường không chỉ lớn về quy mô mà còn cả giá trị cao. Lần kiểm tra tới đây là cơ hội quan trọng, nhất là khi nếu không thành công thì ngành thủy sản VN có thể phải chờ rất lâu mới có cơ hội khác để gỡ "thẻ vàng", do EC sắp tập trung vào một số vấn đề chính trị quan trọng của Liên minh Châu Âu (EU) trong thời gian tới.

Thế nhưng, việc quản lý, giám sát đội tàu và truy xuất nguồn gốc thủy sản của VN vẫn còn nhiều vấn đề. Như Thanh Niên vừa thông tin, ông Lê Văn Sáng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Thanh Hóa (thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa), thừa nhận: "Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GSHT hiện nay ở tỉnh Thanh Hóa đã tốt rồi, nhưng việc duy trì hoạt động, thực hiện nghiêm hoạt động của thiết bị mới là vấn đề đáng bàn. Vì còn nhiều tàu thuyền mất tín hiệu, trong đó có cả nguyên nhân do thiết bị lỗi, do ngư dân cố tình làm mất tín hiệu".

Trong khi đó, chỉ khi giám sát hiệu quả vấn đề trên, không chỉ tại Thanh Hóa mà ở toàn bộ các địa phương liên quan, thì mới là sự đảm bảo lâu dài để VN có cơ hội được tháo gỡ "thẻ vàng".

Lâu nay, không chỉ có VN mà nhiều nước cũng đã từng dính "thẻ vàng" của EC, nhưng một số nước được gỡ sau chưa đầy 2 năm. Để làm được điều đó, điển hình là Hàn Quốc và Philippines thậm chí xây dựng cả luật thủy sản để phù hợp với quy định. Đây không đơn thuần là "thoát án" mà còn hướng đến việc đảm bảo tuân thủ lâu dài đối với "luật chơi" chung mà chẳng quốc gia nào có thể đi ngược. Bởi về bản chất, việc không vi phạm về IUU là yêu cầu tiến bộ trong một thế giới văn minh.

Chính vì thế, khi gỡ được "thẻ vàng" thì VN chứng minh khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Đó còn là hình ảnh và vị thế của VN. Không những vậy, việc tồn tại những hành vi IUU còn tạo ra không ít hệ lụy cho công tác đối ngoại, bao gồm cả việc xử lý một số tranh chấp, phân định chủ quyền trên biển. Xa hơn còn là những đánh giá tiêu cực của cộng đồng quốc tế mà xuất phát chỉ từ sai phạm của một số ít người.

Hồi tháng 10.2023, chủ trì Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC.

Đã là luật chơi thì phải tuân thủ nếu không muốn bị đứng bên ngoài. Cho nên, chẳng thể viện bất cứ lý do gì để dẫn đến các vi phạm IUU và việc tuân thủ này đòi hỏi trách nhiệm trước hết từ các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.