Ukraine giữa muôn trùng bế tắc

02/04/2024 05:36 GMT+7

Bị tấn công liên tục, nguồn lực đang dần cạn kiệt, viện trợ đang gặp khó khăn… là những bế tắc mà Ukraine đang đối mặt, trong khi lối thoát chưa rõ ràng.

Hôm qua (1.4), tờ The Independent đưa tin Nga ngày 31.3 đã sử dụng 5 tên lửa bội siêu thanh Zircon, trong tổng số 180 loại vũ khí khác nhau, để tấn công trực diện Kyiv.

Kịch bản mù mịt khi thiếu Mỹ

Chính thức biên chế từ tháng 1.2023, tên lửa Zircon có vận tốc tối đa gấp 9 lần vận tốc âm thanh (khoảng 11.000 km/giờ) và tầm bắn khoảng 1.000 km, nên được đánh giá khá cao về khả năng tác chiến. Một lần nữa, Ukraine thể hiện sự kém hiệu quả trong việc phòng vệ trước các cuộc tấn công của Nga.

Ukraine giữa muôn trùng bế tắc- Ảnh 1.

Quân đội Ukraine khai hỏa pháo phản lực đa nòng ngày 28.3

Reuters

Trong khi đó, nguồn lực của Ukraine đang cạn dần nhưng viện trợ từ Mỹ lại đang bị đình trệ. Trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post trong bài viết được đăng tải ngày 29.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ thì chúng tôi không đủ năng lực phòng không, không có tên lửa Patriot, không có thiết bị gây nhiễu cho tác chiến điện tử, không có đạn pháo 155 mm. Như thế, chúng tôi phải lùi dần".

Thế nhưng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang bế tắc trong việc thúc đẩy gói viện trợ quốc tế trị giá 95 tỉ USD, bao gồm 60 tỉ USD cho Ukraine. Nguyên nhân là vì Hạ viện Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ trên bởi nội bộ nước này chưa đạt được các thỏa thuận liên quan.

Tổng thống Ukraine nói sẽ phải lui quân, gây sức ép với Mỹ

Bắt nguồn từ sai lầm của Tổng thống Zelensky ?

Trả lời Thanh Niên ngày 1.4, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, đánh giá: "Tổng thống Zelensky đã đúng khi lưu ý rằng Ukraine cần thêm đạn dược và thiết bị. Nhưng tình hình hiện nay bắt nguồn chủ yếu từ lỗi của chính Tổng thống Zelensky. Mùa hè năm ngoái, lẽ ra ông ta phải tập trung củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine, chuẩn bị quân đội cho một cuộc chiến lâu dài, đồng thời lôi kéo phía Nga vào các trận địa. Nếu hành động như thế, thì Kyiv giờ đây có đủ sức mạnh để giữ vững những gì mà họ đang có".

Ukraine giữa muôn trùng bế tắc- Ảnh 2.

Tổng thống Zelensky ngày 28.3

Reuters

"Ngược lại, trong thực tế, Tổng thống Zelensky đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào các vị trí được Nga củng cố vững chắc, có lực lượng pháo binh mạnh mẽ. Không chỉ bị suy yếu và chịu thiệt hại lớn trước hệ thống phòng thủ của Nga, chiến lược của Kyiv còn giúp cho phía Nga có thời gian chuẩn bị lực lượng ở hậu phương. Vì vậy, giờ đây, Nga có đủ lực lượng để bắt đầu các cuộc tấn công có chọn lọc, quy mô nhỏ được hỗ trợ bởi pháo binh ồ ạt nhằm vào Ukraine - vốn đang cạn dần nguồn lực, thiếu đạn dược…".

Nga vẫn gặp khó về lâu dài

Phân tích thêm, vị chuyên gia trên nhận định rằng: "Tổng thống Zelensky là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, nhưng có vẻ ông không mạnh về chiến lược, hoạt động quân sự cũng như bản chất đang thay đổi của chiến tranh, dù chính quân đội Ukraine đã đi tiên phong trong nhiều đổi mới".

Vì thế, vị chuyên gia trên đánh giá: "Phương Tây hỗ trợ Ukraine để ngăn chặn nước này bị sụp đổ, nhưng để hiệu quả thì cần tận dụng vị thế của phía hỗ trợ để tác động Kyiv điều chỉnh chiến lược".

Về phía Nga, vị chuyên gia trên đánh giá Moscow đang tiêu thụ lượng vũ khí nhiều hơn mức có thể tự cung ứng, và nhiều bằng chứng cho thấy Nga dường như đang phải dùng cả các khí tài từ thời Chiến tranh lạnh. Nếu cuộc chiến còn kéo dài, Nga sẽ đến lúc phải đối mặt tình trạng thiếu vũ khí.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia trên đặt vấn đề nếu Kyiv không thay đổi chiến lược tấn công như vừa qua vốn rất hao tốn nguồn lực nhưng không hiệu quả, thì ngay cả khi Nga "thiếu đạn", Ukraine cũng không còn đủ khả năng để phản công.

Điểm xung đột: Nga đòi Ukraine dẫn độ quan chức; NATO có lợi khi 'mơ hồ chiến lược'

Ukraine bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Nga

Bộ Ngoại giao Nga ngày 31.3 thông báo Nga đã yêu cầu Ukraine "bắt giữ và dẫn độ ngay lập tức" tất cả các nghi phạm bị Moscow xác định và có liên quan đến những "cuộc tấn công khủng bố" gần đây nhắm vào Nga. Trong số nghi phạm đó có cả ông Vasily Malyuk, đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), theo Đài RT.

SBU lập tức bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Nga, nói rằng yêu cầu đó "vô nghĩa", theo Reuters. SBU còn đề cập đến lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, do Tòa án Hình sự quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ban hành vào ngày 17.3.2023 về cáo buộc liên quan việc đưa trẻ em Ukraine sang Nga, và nói: "Tòa án ở The Hague đang chờ đợi ông ấy".Minh Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.