Ứng xử với thuốc lá mới: Việt Nam sẽ vẫn chưa đưa ra kết luận tại COP10

17/10/2023 18:00 GMT+7

Tính đến nay, các bộ ngành trong nước vẫn chưa thống nhất về quan điểm quản lý thuốc lá mới. Do đó, tại Hội nghị COP10 sắp tới, thay vì chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đoàn Việt Nam sẽ tập trung lắng nghe quan điểm của các quốc gia khác về những sách lược cấp tiến, làm cơ sở để đưa ra quyết định trong nước.

Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá (COP) là nơi tập hợp tiếng nói của đại diện 183 quốc gia thành viên tham gia Công ước Khung quốc tế về kiểm soát thuốc lá (FCTC), nhằm chia sẻ về tình hình và hiệu quả thực tiễn trong vấn đề kiểm soát thuốc lá của mỗi nước.

Trong kỳ thứ 10 của Hội nghị vào tháng 11 sắp tới đây, nội dung thảo luận sẽ như thường lệ, đó là tìm kiếm giải pháp để đẩy lùi tỷ lệ thương vong do thuốc lá, giảm tình trạng hút thuốc lá trên toàn cầu, thúc đẩy hành động thực tiễn, hiệu quả để đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng, bất kể mọi đối tượng, trong đó có người hút thuốc.

Ứng xử với thuốc lá mới: Việt Nam sẽ vẫn chưa đưa ra kết luận tại COP10 - Ảnh 1.

Sự thống nhất giữa Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đóng vai trò then chốt

Từ kỳ họp COP6 diễn ra năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tham dự vào sự kiện quốc tế này. Cụ thể, Bộ Y tế làm trưởng đoàn, cùng thành viên là đại diện các cơ quan ngang bộ khác như Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ, Văn phòng Chính phủ… Việc này nhằm thu thập ý kiến từ mọi khía cạnh mà thuốc lá tác động đến, từ đó tổng hợp cho quan điểm thống nhất của quốc gia. Dựa trên cơ sở cân bằng, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, phái đoàn đại diện Việt Nam sẽ mang đến những quan điểm bao quát về các khía cạnh của vấn đề kiểm soát thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng. 

Điều này cũng là cơ sở để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Ban Thư ký của FCTC, nắm rõ hơn về tình hình Việt Nam để đưa ra những khuyến nghị phù hợp với bối cảnh thực tiễn của quốc gia. Theo đó, những khuyến nghị mà WHO đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao như Việt Nam giảm thiểu tỷ lệ thương vong và gánh nặng y tế, cũng như cân nhắc nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp của người hút thuốc.

Sự kiện COP10 hiện đang cận kề và chỉ còn một tháng nữa, thế nhưng quyết sách của Việt Nam đối với khung pháp lý dành cho thuốc lá mới vẫn đang chờ sự thống nhất giữa các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Hiện các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận các đề xuất ứng xử phù hợp đối với sản phẩm này.

Trong nước, từ năm 2017 Chính phủ đã ban hành Công văn 8750 chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan để thống nhất phương án quản lý thuốc lá mới. Tuy nhiên sau 6 năm, chính sách này vẫn còn chưa đi đến hồi kết. Do đó sự tham gia tích cực của tất cả các bộ ngành chủ chốt ngay từ giai đoạn soạn thảo báo cáo hiện nay, cho đến việc tháp tùng đoàn đại biểu tham dự sự kiện COP10 vào tháng 11 tới đây là rất quan trọng, đặc biệt đối với việc thống nhất quan điểm quốc gia về hành lang pháp lý cho thuốc lá mới.

Các giải pháp ứng xử với thuốc lá mới cần sớm được thống nhất

Hiện nay, vấn đề kiểm soát thuốc lá mới không chỉ còn là câu chuyện giữa các Bộ, mà còn là mối quan tâm của nhà chức trách và các chuyên gia thuộc nhiều cơ quan của Quốc Hội.

Ngày 12.10 vừa qua, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tọa đàm để đề xuất hướng xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với sản phẩm này.

Ứng xử với thuốc lá mới: Việt Nam sẽ vẫn chưa đưa ra kết luận tại COP10 - Ảnh 2.

Tại tọa đàm, bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ ra thực trạng: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành 10 năm và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số quy định không còn phù hợp với thực tế. Theo bà Lan, vấn đề này rõ nét nhất là việc thuốc lá mới đã hiện diện nhưng lại chưa được điều chỉnh trong Luật PCTHTL nên không có cơ sở để xử lý.

Cũng trong tọa đàm, các đại biểu tham dự cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương và các bộ ngành có liên quan sớm đánh giá tổng kết thi hành Luật PCTHTL, tiến hành rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc quản lý, sử dụng đối với thuốc lá mới.

Cập nhật tiến độ từ Bộ Y tế, Thứ trưởng Lê Đức Luận thông tin thêm, Bộ Y tế sắp tới sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội nhằm điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá mới.

Trước đó, tại tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành", đại diện Bộ Công thương, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp đã kêu gọi sự thống nhất giữa các bộ ngành liên quan về việc xây dựng chính sách quản lý cụ thể đối với thuốc lá mới trước khi COP10 diễn ra.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các Bộ ngành vẫn còn thận trọng trong việc đưa ra biện pháp ứng xử đối với thuốc lá mới, COP10 là cơ hội để Việt Nam tham khảo về kinh nghiệm quản lý hiệu quả các sản phẩm này thông qua dữ liệu đời thực từ các quốc gia đi trước.

Song song đó, Việt Nam cũng có thể cùng các quốc gia lên tiếng kêu gọi WHO và Ban Thư ký triển khai thực hiện và cung cấp thêm nhiều dữ liệu nghiên cứu toàn diện về khoa học, kỹ thuật của thuốc lá mới. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam xem xét và cân nhắc, đưa ra quyết định cuối cùng đối với sản phẩm này trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.