VAR đã bị... hạ nhục ở Ngoại hạng Anh

22/09/2019 10:41 GMT+7

Quả bóng, từ pha dứt điểm của Sadio Mane, vẫn chưa hoàn toàn qua khỏi vạch vôi, và John Stones kịp phá ra ngoài. Đấy là tình huống hỏng ăn đáng tiếc của Liverpool trong trận thua Man City 1-2 ở Ngoại hạng Anh mùa trước.

Vâng, bóng vẫn chưa qua khỏi vạch vôi. Nó còn cắn vạch 11,7mm! Trong một trận khác, Man City thắng Burnley 1-0 với sự hồi hộp tương tự. Sergio Aguero đưa được quả bóng qua khỏi vạch vôi 29,5mm, trước khi hậu vệ Burnley kịp phá ra ngoài. Có nghĩa, đấy đã là bàn thắng. Cuối cùng, Man City vô địch Ngoại hạng Anh, hơn Liverpool đúng 1 điểm! Quá mong manh? Nhưng mọi người đều biết chắc chắn như vậy, hoàn toàn không có tranh cãi.
Chỉ cần đảo ngược một trong hai kết quả vừa nêu - "tình huống 11,7mm" hoặc "tình huống 29,5mm" - là Liverpool vô địch. Nhưng, không thể nào sai, bởi đấy là kết quả do hệ thống thiết bị kỹ thuật "Goal-Line Technology" thông báo. Trong cái thời buổi mà dân thường đã có thể chuẩn bị du lịch lên không gian, quá dễ để giải quyết một vấn đề như vậy. Cũng như chẳng ai tranh cãi về một quyết định do hệ thống "Hawk-Eye" đưa ra, trong môn quần vợt.

Trận Leicester - Tottenham ở vòng 6 Ngoại hạng Anh có 2 pha ghi bàn bị VAR bác bỏ

AFP

Hệ thống VAR trong môn bóng đá thì lại khác. VAR có nhược điểm hiển nhiên là nó làm mất đi một trong những chỗ hay nhất của bóng đá: tính "người" của trò chơi này. Bóng đá như thế là đã mất đi sự tự nhiên. Mất luôn cả sự liền lạc, vốn là đặc điểm chuyên môn quan trọng. Giả sự VAR đem lại sự công bằng tuyệt đối, chấm dứt được mọi tranh cãi ở các tình huống quan trọng, thì còn khả dĩ chấp nhận.
Đằng này, VAR cũng có lúc... bó tay, như ở tình huống Son Heung-min (Tottenham) có việt vị hay chưa, trong trận gặp Leicester ở vòng 6 Ngoại hạng Anh hôm 21.9. Leicester thắng 2-1 trên sân nhà, trong một trận đấu có 2 pha ghi bàn bị VAR bác bỏ. Bàn thắng bị khước từ của Serge Aurier (Tottenham) thật sự là một "nỗi nhục của VAR".
Tottenham đang dẫn 1-0, và Aurier ghi bàn bằng một cú sút không thể chống đỡ. Trận đấu coi như ngã ngũ? Nhưng rồi, trọng tài phải tạm ngưng trận đấu thật lâu để VAR kiểm tra và... hủy bỏ bàn thắng của Aurier, vì cho rằng Son Heung-min đã việt vị ở tình huống ngay trước đó.
Chỗ mấu chốt trong tình huống này: vai của Son đã vượt qua khỏi đầu gối của hậu vệ Jonny Evans (Leicester) hay chưa. Sự thể hiện trên màn ảnh truyền hình: người ta kẻ một vạch ngang (song song đường biên ngang), rồi kẻ vạch đối chiếu vai của Son và đầu gối của Evans xuống vạch ngang kia. Nhưng vẫn không có gì là rõ ràng (vai hay đầu gối sâu hơn).

Man City là một trong những đội ám ảnh VAR nhiều nhất

AFP

Vấn đề ở đây là sự lòe bịp: thà đừng khoe khoang những đường kẻ có vẻ "hiện đại" kia. Ai cũng biết: những gì vừa nêu đều là vô nghĩa, nếu không thể hiện được thời điểm quả bóng được chuyền đi, và mối tương quan với thời điểm mà vai của Son cùng đầu gối của Evans được đối chiếu. Đã vậy, các kỹ thuật viên truyền hình có biết là phải thể hiện thời điểm quả bóng tiếp xúc chân cầu thủ chuyền, hay thời điểm bóng rời chân người chuyền?
Nói sơ qua thế thôi. Đỉnh cao của sự lòe bịp là chi tiết này: VAR nào mà xác định được chính xác đâu là... vai, đâu là cánh tay của Son! Cánh tay thì không được dùng để chơi bóng, nên không việt vị. Quả bóng dù chỉ vượt qua vạch một phần ngàn mm, máy móc cũng vẫn "thấy" được. Còn khái niệm "vai" và "cánh tay" thì chỉ ước lệ. Chẳng lẽ VAR xác định được ở mm này là "vai", còn mm bên cạnh thì đã chuyển sang "cánh tay"? Kỳ này, VAR thua trắng rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.