Về miền ký ức Vĩnh Long

15/10/2022 18:00 GMT+7

“Hò ơi... Tiền Giang cây cối xanh tươi, có dòng sông đục có người tôi mong. Ai về chợ Lách Vĩnh Long, hay đi Bến Đức, Gò Công, Định Tường...’’.

Những điệu lý câu hò dường như đã đi sâu vào trong ký ức của mỗi con người miền Tây. Từ trong lời ru của người bà, người mẹ đã trở thành nỗi khắc khoải, nhớ thương của những người con xa quê. Đặc biệt với nỗi lòng của một đứa con được sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Long – một vùng đất địa linh nhân kiệt luôn tự hào về những vẻ đẹp vốn có nơi đây. Tôi một người con rời xa quê hương khoảng chừng ấy 5 năm đã quay trở về với bao nỗi xúc động, bồi hồi. Chuyến đi này không phải là chuyến đi đến một vùng đất mới nào cả, nhưng trong tôi lại có một cái cảm giác lạ thường như một chuyến đi, một cuộc hành trình tìm về với tuổi thơ này nào, nhìn thấy sự thay đổi mới mẻ của mảnh đất quê mẹ thân thương.

Những con người nơi đây vẫn cứ chất phác, mộc mạc, giản dị, gắn bó gần gũi với nhau cũng giống như tình yêu của họ đối với quê hương xứ sở của mình

khánh phan

Tôi có thể miêu tả tất cả những gì tôi nhìn thấy qua chính đôi mắt, bằng sự cảm nhận và tình cảm của mình dành cho một nơi nào đó nhưng chắc có lẽ chẳng có lời lẽ nào của tôi có thể diễn tả hết những vẻ đẹp của quê mình, bởi lẽ những nét đẹp nơi đây không chỉ được vẽ bằng ngòi bút, bằng lời nói mà nó còn được vẽ bằng cả cái tình cái nghĩa của người miền tây sông nước.

Họ luôn trao cho nhau những nụ cười khi gặp mặt, một cái cúi đầu chào thân thương, cho dù bạn có phải là một người từ nơi xa đến họ luôn cởi mở, niềm nở đón khách bằng cả sự chân thành, theo những gì mà họ có được. Người dân quê tôi là vậy đó, không quá cầu kì nhưng lúc nào cũng ẩn chứa trong đó một sự hiếu khách như muốn níu chân bạn lại mảnh đất nơi đây – một mảnh đất hào kiệt Vĩnh Long quê tôi với những xóm cù lao trong những năm khó khăn nhưng lúc nào họ cũng chia sớt cho nhau từ những chén gạo, muỗng muối, muỗng đường, bởi họ luôn quan niệm rằng “Hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Tôi còn nhớ vào một đêm mưa rất lớn, cả xóm đều bị cúp điện, khi ấy tôi đang ở cùng với ngoại nhưng lại không có đèn cầy trong nhà. Tôi đã chạy đi mua nhưng không có, tôi chạy thoáng qua một căn nhà với mình ướt nhẻm, bỗng có cô Tư hàng xóm kêu tôi lại và hỏi rằng: “Con đi đâu 'dậy', con đi vô đây đục mưa nè, để ướt hết trơn”. Tôi mới cất tiếng nói trong cơn mưa tầm tả: “Dạ, con đi mua đèn cầy 'dìa' cho ngoại, nhà con bị cúp điện tối thui à”. Cô mới nói tiếp: “Con chờ Tư chút, nhà Tư còn một cây để Tư lấy ra cho con đem 'dìa' đốt lên cho sáng”. Tôi nghe được câu nói mà mừng rỡ lên hẳn, cô đem ra tôi vội nói: “Dạ, con cám ơn cô”. Rồi chạy một mạch về nhà, thắp lên ngọn lửa ấm áp trong đêm mưa lạnh giá. Bây giờ, tôi ngồi nhớ lại ngọn lửa trong đêm đó, mà nghĩ rằng nó đã cháy bằng cả sự yêu thương giữa người với người, một ngọn lửa sẽ chẳng bao giờ tắt đối với tôi và cả những cái nghĩa tình của người dân quê nơi đây.

Bạn hãy thử một lần về quê tôi, thử một lần ngồi trên chiếc xuồng ba lá men theo những con kênh, ngồi nhìn ngắm những rặng dừa nước...

tgcc

Ngược dòng theo con nước trên dòng sông Hậu hiền hòa, tôi càng cảm nhận rõ nét hơn về những người dân quê tôi, cái nhịp sống lênh đênh bám chặt lấy con nước mà mưu sinh vì nghiệp hạ bạc đã gắn liền với họ. Tuy vậy, những con người nơi đây vẫn cứ chất phác, mộc mạc, giản dị, gắn bó gần gũi với nhau cũng giống như tình yêu của họ đối với quê hương xứ sở của mình.

Bạn hãy thử một lần về quê tôi, thử một lần ngồi trên chiếc xuồng ba lá men theo những con kênh, ngồi nhìn ngắm những rặng dừa nước, bạn sẽ được nghe cái giọng nói của người chèo xuồng, cái giọng nói ngọt ngào đó sẽ giới thiệu cho bạn biết hết những công dụng của quả dừa và sẽ kể cho bạn nghe ở đây sẽ có những món ăn đặc sản nào, và có thể họ sẽ nhường cho bạn cái chiếc nón lá duy nhất mà họ có. Họ là những con người giản dị từ những điều rất đơn giản vậy đó. Và chắc chắn bạn sẽ được ghé thăm ngôi nhà của người dân nơi đây, sẽ được chiêu đãi những món ăn rất bình dị “Cây nhà lá vườn”, bởi vùng đất Cù Lao Mây này không có gì khác ngoài những vườn trái cây xum xuê, những con cá dưới ao, những đàn gà thả vườn. Hỡi mà có khách ghé thăm, người dân nơi tôi chỉ cần bước chân ra vườn là đã có những món ăn thơm thảo để tiếp đãi khách. Người miền Tây không có gì khác, tuy họ không phải là những người giàu có gì hết nhưng chắc chắn họ sẽ tiếp bạn với một tấm lòng nồng hậu, mến khách mà không cần nghĩ ngợi gì cả, bởi họ luôn nghĩ rằng “Nghèo thì nghèo nhưng tiếp bạn phải chu đáo, tiền bạc có xá gì đâu, nhân nghĩa mới là điều quan trọng”.

Từ nhỏ tôi đã hiểu rất rõ cái “Nghĩa tình miền Tây” qua những việc làm mà người quê tôi làm cho nhau như câu chuyện muôn thuở từ xa xưa đến nay “Mần dần công” – một nét đẹp, nét đặc trưng mà chắc có lẽ không nơi nào có được. Chỉ cần trong xóm có việc gì cần giúp đỡ thì người người, nhà nhà lại xúm lại, người thì phụ cái này, người thì phụ cái kia, mỗi người một chút ấy vậy mà lại rất đong đầy yêu thương. Có lần nhà bác Năm tôi trong trận mưa lũ nhà đã bị cuốn trôi tất cả, nhưng chính cái nghĩa tình nơi đây mà mỗi người phụ một tay, người thì gom cây dựng vách, người thì kiếm lá lợp nhà, mọi người cùng nhau làm mấy ngày rồi cũng xong. Làm thì có cực đó, nhìn từng giọt mồ hôi rơi trên khuôn mặt của mọi người mà tôi càng thương những con người quê tôi, họ mệt nhưng lúc nào cũng vui vẻ. Họ không ai kể công gì cả cũng chẳng nhận lấy một cắc nào. Họ chỉ cần cái bữa cơm ngồi bên nhau với nồi cháo cá nóng hổi, húp một miếng mà ấm hết cả lòng, như vậy là đã đủ lắm rồi. Bởi người quê tôi giúp đỡ nhau là sự giúp đỡ lâu dài, có qua có lại mới trọn “Cái nghĩa anh em”. Hôm nay mình giúp, ngày mai mình cần thì sẽ có người giúp lại, giống như một quy luật tự nhiên cứ xoay vòng vậy đó, không bao giờ có điểm kết thúc.

Người Cù Lao tôi cũng có cái tính thẳng thắn, cương trực lắm, khi gặp chuyện bất bình họ sẽ đều nói ngay, luôn bảo vệ cái đúng không sợ gì cả. Bởi họ đã quen với lối “Hành hiệp trượng nghĩa” từ bao đời nay. Do đó, nếu ai đó đã gặp và tiếp xúc với người dân nơi đây sẽ cảm thấy họ rất gần gũi, không câu nệ gì cả, họ đều coi “Bốn bể là nhà, Tứ hải là giai huynh đệ”.

Nhưng có lẽ, chẳng có ai có thể cảm nhận sâu sắc một cách chân thật hơn những con người Vĩnh Long quê tôi,khi đứng trước cái nhộn nhịp, tấp nập của phố phường, thành thị mà nhớ về tuổi thơ một thời, nhắc nhớ mỗi người con về nơi chôn nhau cắt rốn này. Chuyến phà đưa người lữ khách đến với quê tôi mà trong tôi như càng trống trải, có phải mình thật sự vô tâm khi chừng ấy năm mới quay trở về quê hương. Từng chiếc phà, từng nhánh bần trên sông đều là những mảnh ghép trong kí ức thời thơ ấu của tôi. Có ai đi xa quê hương mà không nhớ đâu, nhớ lắm những hàng cau trước nhà, những đứa bạn ngày xưa, nhớ lắm hình ảnh người dân quê tôi lam lũ mà mưu sinh, nhớ lắm tiếng ru à ơi giữa trưa hè, nhớ quá Vĩnh Long tôi ơi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.