49 Năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024):

Vì một Việt Nam hòa bình: Mối tình Việt Nam

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
26/04/2024 06:16 GMT+7

Rich Allen (72 tuổi), hiện là Phó chủ tịch Veterans For Peace Chapter 160 (VFP 160, Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ tại Việt Nam), kể cho chúng tôi nghe một mạch câu chuyện của mình thời điểm ông đến Việt Nam tham chiến (giai đoạn 1971 - 1972).

Nhưng không phải là chuyện chiến trường. Đó là một câu chuyện tình yêu thời chinh chiến. Ở đó có hạnh phúc, có nỗi buồn. Có chia xa, mất mát và có sự làm lành.

Đoàn tụ sau 40 năm

Năm 1971, khi đến Đà Nẵng, Rich Allen mới 19 tuổi, được phân công vào kíp chiến đấu xe tăng M48. Lần nọ, Rich gặp Huỳnh Thị Hương, một cô gái bằng tuổi mình, và hai người đã yêu nhau từ những ánh mắt đầu tiên.

Ông Rich Allen gặp lại con gái Lena sau 40 năm thất lạc, tại Sân bay quốc tế Dallas Fort Worth vào tháng 7.2013

Ông Rich Allen gặp lại con gái Lena sau 40 năm thất lạc, tại Sân bay quốc tế Dallas Fort Worth vào tháng 7.2013

NVCC

"Chúng tôi quen nhau nghiêm túc. Khi ngày trở về Mỹ đến gần, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục, giấy tờ để Hương cùng tôi về Mỹ. Nhưng ngay sau đó là chiến sự căng thẳng, chúng tôi được lệnh rời khỏi Đà Nẵng ngay lập tức. Sau lời chia tay đầy nước mắt nhưng cũng đầy hy vọng, tôi rời Việt Nam. Quân đội Mỹ gần như đã rời khỏi Việt Nam vào thời điểm này. Khi trở lại Mỹ, tôi không có cách nào liên lạc với hôn thê của mình. Sau đó tôi biết là Hương không thể gửi thư cho tôi được và bà cũng đốt hết các giấy tờ liên quan tới Mỹ", ông Rich kể.

Không thể liên lạc với Hương, ông Rich mất tinh thần và tuyệt vọng. Ông nói trái tim ông khao khát trở lại Việt Nam và ông đã tìm nhiều cách để có được lệnh quay lại, thế nhưng mọi nỗ lực đều bất thành.

"Lúc đó, tôi nghe thông báo là không ai được quay lại Việt Nam, do chiến tranh đã kết thúc với người Mỹ rồi. Tôi vô cùng thất vọng vì ở đó tôi có một tình yêu", ông Rich lặp lại nhiều lần cụm từ "life goes on" - cuộc sống vẫn tiếp diễn. Ông vẫn phải sống. Vì lẽ đó, ông cố chôn vùi những ký ức của mình về Việt Nam.

Mãi 40 năm sau, mẹ ông Rich trao cho ông một bức thư mà bà nhận được. Trong đó viết: "Thưa ông bà Allen. Tôi hy vọng ông bà đọc bức thư này với niềm vui giống như tôi cảm thấy khi viết nó và tôi rất hy vọng ông bà có thể giúp tôi tìm được cha tôi. Tôi sinh ra ở Việt Nam năm 1972…".

Khi rời khỏi Việt Nam, ông Rich không biết bà Hương đã mang thai.

Con gái của Rich và Hương chào đời, được đặt tên là Lena và mang họ mẹ. Khi 16 tuổi, Lena di cư đến bang Texas (Mỹ) nhờ chính sách nhập cư của Mỹ dành cho trẻ em Việt Nam có cha là người Mỹ (Amerasian Homecoming Act, tạm dịch: Đạo luật về quê hương dành cho người Mỹ lai - PV). Dù đến Mỹ, nhưng Lena không có bất cứ thông tin nào về cha mình, ngoài dòng chữ "San Jose CA" được ghi đằng sau bức ảnh chụp bà Joyce Alice (mẹ Rich) mà ông Rich khi xưa đã trao cho Hương.

Ông Rich Allen và tổ ấm của mình hiện nay

Ông Rich Allen và tổ ấm của mình hiện nay

NVCC

Rich đã bay đến Texas và đoàn tụ với con gái. "Khi gặp nhau, chúng tôi biết không có nghi ngờ gì về huyết thống, chỉ có niềm vỡ òa khôn xiết. Lena đã bõ công hàng chục năm trời mới tìm được cha. Nhưng Hương không được thấy cảnh đoàn tụ ấy. Hương đã mất cách đây 20 năm vì ung thư. Chúng tôi chưa bao giờ được gặp lại nhau. Hương chưa bao giờ đặt chân đến nước Mỹ", ông xúc động.

Hai cha con ông Rich đoàn tụ sau 40 năm cách biệt, cùng nhau trở về Việt Nam vào tháng 2.2016. Khi quay lại Đà Nẵng, những kỷ niệm ùa về trong tâm trí ông.

"Tôi chợt thấy lại mình năm 19 tuổi. Khi hít thở bầu không khí vẫn còn quen thuộc đó, tôi cảm tưởng như mình đã trở về nhà. Từ đó trở đi, hành trình của tôi xen lẫn việc hồi tưởng những ký ức đã mất và những cuộc phiêu lưu mới. Tôi lại về Việt Nam vài tháng sau đó và từ cuối năm 2016 thì quyết định ở lại luôn cho tới nay", ông Rich nói và cho biết thêm: "Con gái Lena của tôi hiện vẫn sống ở Dallas, bang Texas. Việc gặp lại con gái đã thay đổi hoàn toàn đời sống của tôi. Tôi đã bắt đầu mơ về Việt Nam, là giấc mơ, chứ không phải là ác mộng. Người ta hay nói về định mệnh, số phận. Tôi chưa bao giờ hiểu những từ đó thật sự là gì cho đến khi tôi nhìn lại cuộc đời mình".

Trách nhiệm vẫn chưa kết thúc

Đoàn VFP 160 chụp hình lưu niệm tại buổi tổng kết dự án rà phá bom mìn, vật nổ tại đồi A Bia, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế, giai đoạn 3 (tháng 1.2023)

Đoàn VFP 160 chụp hình lưu niệm tại buổi tổng kết dự án rà phá bom mìn, vật nổ tại đồi A Bia, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế, giai đoạn 3 (tháng 1.2023)

NVCC

Việc sống ở Đà Nẵng một lần nữa, đối với ông cũng là một trải nghiệm đặc biệt. Ông Rich nói điều gây ấn tượng nhất cho ông là cách mọi người đối xử với ông trong yên bình, tôn trọng và ấm áp. Suốt thời gian ở Đà Nẵng, không ai chỉ trích ông hoặc đất nước của ông về chiến tranh trong quá khứ. Sự yên bình ấy khiến ông luôn yên lòng.

"Tôi nhận được sự tử tế, bao dung. Tôi cảm thấy biết ơn và hạnh phúc khi thấy những người Việt Nam mà tôi gặp đang tập trung vào hiện tại và tương lai thay vì quá khứ. Ngay cả những cựu chiến binh từ miền Bắc mà tôi gặp trong các buổi lễ và sự kiện, cũng chào đón tôi như một người anh em. Chúng tôi chia sẻ với nhau những gì diễn ra trong thời chiến. Chiến tranh thật sự khủng khiếp, đã có biết bao đau khổ mà những người lính và dân thường phải gánh chịu. Là một thành viên của VFP 160, quan điểm của tôi phản ánh niềm tin vào tầm quan trọng của các giải pháp hòa bình thay vì chiến tranh", ông Rich nói.

Hình ảnh ông Rich Allen lúc đến chiến trường Việt Nam

Hình ảnh ông Rich Allen lúc đến chiến trường Việt Nam

NVCC

Ông Rich chia sẻ ông chọn Việt Nam để sống phần đời còn lại của mình và hoạt động tốt sứ mệnh của VFP 160 như một nỗ lực đáp đền. Hiện nay, VFP 160 hướng tới thúc đẩy hòa bình và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó tập trung hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam và bom mìn.

"Tổ chức của chúng tôi nâng cao nhận thức của Mỹ về vấn đề này ở Việt Nam. Chúng tôi gây quỹ, đồng thời vận động chính phủ Mỹ tham gia giải quyết. Ở Đà Nẵng, chúng tôi đã dành 5 năm để khắc phục những tàn dư của chất độc da cam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức một chuyến tham quan hằng năm cho các cựu chiến binh. Điều này nhằm duy trì sự kết nối và tiếp tục nhắc nhở mọi người ở Mỹ rằng chúng ta có trách nhiệm ở Việt Nam và trách nhiệm đó vẫn chưa kết thúc", ông Rich nói.

Theo quan điểm của ông Rich, mối quan hệ Mỹ và Việt Nam đang ở cấp độ cao nhất. Ông tin rằng những thế hệ nối tiếp ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển quê hương và rèn luyện bản thân trở thành những công dân toàn cầu. (còn tiếp)

Mê sự quây quần và ẩm thực đường phố

Ông Rich Allen đã kết hôn với bà Đinh Thị Liên và hiện gia đình nhỏ của ông sống ở Đà Nẵng. Ông rất thích sự quây quần và gắn bó của họ hàng gia đình Việt Nam nói chung và nhà vợ nói riêng. "Quê vợ tôi ở Ninh Bình và tôi tính có khoảng 200 người có quan hệ họ hàng. Dịp tết, chúng tôi có thể ăn trưa ở nhà này, tối ăn ở nhà khác, rồi trưa mai lại ăn ở một nhà khác nữa", ông Rich nói.

Vợ ông, bà Liên, từng là một luật sư và là nhân viên ngân hàng. Theo lời ông, bà còn nấu ăn rất ngon. Ông cũng có 20 món khoái khẩu nhất của mình mà ở đó bún chả, bánh mì đứng cao nhất.

"Chúng tôi còn rất thích ẩm thực đường phố nữa. Có điều gì đó kỳ diệu về bầu không khí ở Đà Nẵng, làn gió buổi tối, những con phố nhộn nhịp và hương thơm hấp dẫn tỏa ra từ các xe bán đồ ăn. Những khoảnh khắc như thế càng khiến tôi trân trọng cuộc sống ở Việt Nam hơn. Cuộc đời tôi có nhiều bước ngoặt và tất cả đều xoay quanh đất nước này", ông Rich chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.