Vì sao khối Ả Rập phản đối việc di tản người Palestine khỏi Gaza?

Khánh Như
Khánh Như
14/10/2023 16:26 GMT+7

Đề xuất của Israel về việc sơ tán dân thường, bao gồm người Palestine khỏi Dải Gaza đã vấp phải làn sóng phẫn nộ gay gắt từ thế giới Ả Rập.

Quân đội Israel đã cảnh báo hơn 1 triệu dân thường ở Dải Gaza nên được di dời về phía nam trong vòng 24 giờ vì sự an toàn của chính họ, theo hãng tin AA. Đây có thể là một tín hiệu cho thấy Israel có thể sớm tiến hành một chiến dịch quy mô lớn trên bộ.

Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan giải thích mục đích của cảnh báo sơ tán chỉ là "tạm thời di chuyển (người) về phía nam để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường". Sau đó, Mỹ cũng tiết lộ nước này đang đàm phán với Israel và Ai Cập về ý tưởng thiết lập lối đi an toàn cho dân thường ở Gaza.

Nên hay không việc di tản người Palestine khỏi Gaza để giảm thương vong? - Ảnh 1.

Một số người dân Palestine di dời đến phía nam Gaza sau cảnh báo của Israel

REUTERS

Tuy nhiên, theo Reuters, những lời kêu gọi về một hành lang nhân đạo hoặc một lối đi để người Palestine rời khỏi Gaza khi xung đột giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas leo thang đã bị các nước láng giềng Ả Rập phản đối thẳng thừng.

Cảnh báo do quân đội Israel đưa ra bao gồm yêu cầu người Palestine nên "rút lui" qua cửa khẩu Rafah ở biên giới phía nam Gaza với Ai Cập. Cửa khẩu Rafah là cửa ngõ chính để người dân Gaza tiếp cận thế giới bên ngoài. Tất cả các lối ra khác đều dẫn đến Israel.

"Kể cả chiến tranh cũng có luật!": Tổng thư ký LHQ cảnh báo về xung đột Hamas-Israel

Ai Cập, quốc gia Ả Rập duy nhất có chung biên giới với Gaza và Jordan, nằm cạnh Bờ Tây do Israel kiểm soát, phản đối việc người Palestine bị buộc phải rời khỏi vùng đất của họ.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh rằng việc người Palestine được ở trên đất của mình "là chính nghĩa của mọi chính nghĩa, là chính nghĩa của mọi người Ả Rập". Ông nói: "Điều quan trọng là người dân (Palestine) vẫn được hiện diện vững vàng trên mảnh đất của họ".

Tuyên bố trên phản ánh những lo ngại sâu xa của người Ả Rập rằng cuộc chiến mới nhất của Israel với Hamas ở Gaza có thể gây ra một làn sóng di dời vĩnh viễn mới của người Palestine khỏi vùng đất mà tại đó họ muốn xây dựng một nhà nước tương lai.

Bên cạnh đó, Vua Abdullah của Jordan cũng nhấn mạnh ông "chống đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc người Palestine rời khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của họ" hoặc gây ra sự di tản khỏi các vùng đất này. Ông đồng thời kêu gọi ngăn chặn sự lan rộng của cuộc khủng hoảng sang các nước láng giềng và làm trầm trọng thêm vấn đề người tị nạn.

Thủ tướng Israel tuyên bố chiến dịch trả thù ‘chỉ mới bắt đầu’

Tại cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập hôm 11.10, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết tất cả quốc gia Ả Rập đã đồng ý đối đầu với bất kỳ nỗ lực nào nhằm trục xuất người Palestine khỏi quê hương của họ. Trong khi đó, người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit đã khẩn trương kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án "nỗ lực điên rồ của Israel" trong việc di dời người Palestine.

Số phận của người tị nạn Palestine là một trong những vấn đề gai góc nhất trong tiến trình hòa bình vốn đang hấp hối ở khu vực Trung Đông. Người Palestine và các quốc gia Ả Rập cho rằng một thỏa thuận hòa bình nên bao gồm quyền được hồi hương của những người tị nạn và con cháu của họ, điều mà Israel luôn bác bỏ.

Tính đến hiện tại, kể từ khi Israel triển khai đợt bắn phá dữ dội vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công ngày 7.10 của các tay súng Hamas, hàng trăm nghìn trong số 2,3 triệu cư dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa. Phần lớn trong số này vẫn cố gắng bám trụ tại Gaza.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.