Vì sao Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có nguy cơ suy yếu?

Khánh An
Khánh An
12/10/2023 18:52 GMT+7

Giới chuyên môn cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản gặp khó trong tuyển quân.

Vì sao Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có nguy cơ suy yếu? - Ảnh 1.

Số binh sĩ của Nhật đã giảm hơn 7% kể từ năm 1990, xuống mức dưới 230.000 người.

AFP

Theo tờ The Straits Times ngày 12.10, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JDF) đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề thiếu nhân lực, dù tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trong vài năm qua.

Dù con số dao động theo năm, số binh sĩ của JDF đã giảm hơn 7% kể từ năm 1990, xuống mức dưới 230.000 người.

Trong năm ngoái, chưa đến 4.000 người nhập ngũ, thấp hơn phân nửa chỉ tiêu. Lần cuối cùng việc tuyển quân đạt chỉ tiêu là vào năm 2013.

Báo cáo đưa ra hồi tháng 7 bởi một hội đồng chuyên môn nhấn mạnh nguy cơ "cực kỳ cao" rằng JDF sẽ suy yếu do thiếu người.

Nhiều nền kinh tế phát triển cũng gặp những vấn đề về tuyển quân, trong đó tình trạng đáng chú ý ở Nhật khi 10% dân số trên 80 tuổi. Tuy nhiên, nhiều binh sĩ và cựu binh cho rằng không chỉ có vấn đề dân số là nguyên nhân.

Cựu binh sĩ nhảy dù Yuichi Kimura (45 tuổi) hiện điều hành một công ty hỗ trợ cựu binh tìm việc chia sẻ rằng ông không cảm thấy tự hào khi trong quân ngũ.

Theo ông, tinh thần không cao do thu nhập thấp và thiếu tham vọng về lực lượng vũ trang, với vai trò chủ yếu là phòng về kể từ sau Thế chiến 2.

Nhiều người nhập ngũ với hy vọng hỗ trợ đối phó thiên tai, nhưng lại phải làm những nhiệm vụ quân sự. Theo cựu binh Kohei Kondo (25 tuổi) hầu hết binh sĩ đều không nghĩ về quốc phòng khi nhập ngũ.

Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định chỉ tuyển những ứng viên phù hợp, nhưng truyền thông đưa tin nhiều tiêu chuẩn đã hạ thấp, trong đó có các bài kiểm tra tâm lý. Hồi tháng 6, một tân binh nổ súng tại trường bắn khiến 2 người thiệt mạng.

Nhằm đối phó tình trạng thiếu hụt, vào năm 2018, Nhật tăng tuổi tối đa của tân binh lên 32, so với mức 26 tuổi trước đó. Một giải pháp khác là dùng thêm nhiều thiết bị không người lái trên bộ, trên biển và trên không.

Nhật còn tuyển binh sĩ có hình xăm và đặt mục tiêu tăng tỷ lệ binh sĩ nữ từ 9% hiện nay lên 13% vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo giáo sư Fumika Sato tại Đại học Hitotsubashi (Nhật), quân ngũ là môi trường dễ xảy ra tình trạng quấy rối và bạo lực tình dục.

Chưa có bằng chứng cụ thể về mối liên hệ, nhưng tính đến tháng 3, số lượng tân binh nữ đã giảm 12%, dù trước đó đã tăng hằng năm kể từ năm 2017.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.