Vì sao Mỹ đau đầu với côn nhị khúc của Lý Tiểu Long?

Tây Nguyên
Tây Nguyên
14/04/2020 16:04 GMT+7

Côn nhị khúc mà Lý Tiểu Long sử dụng trong những bộ phim võ thuật nổi tiếng bỗng trở thành một thứ vũ khí giết người gây tranh cãi dưới con mắt của các nhà lập pháp Mỹ.

Khi Lý Tiểu Long (Bruce Lee) được trao cặp côn nhị khúc đầu tiên vào giữa những năm 1960, võ sĩ huyền thoại đã gọi vũ khí này là một công cụ rác rưởi, theo Dan Inosanto, một cộng sự nhớ lại. Lý Tiểu Long cho biết côn nhị khúc không hiệu quả bằng gậy nhưng nó có thể hữu ích cho các bộ phim.
Theo tờ New York Times, ý tưởng của Lý Tiểu Long sử dụng côn nhị khúc trong các bộ phim đã thành công ngoài sức tưởng tượng, tạo nên cơn sốt sở hữu thứ vũ khí này ở Mỹ. Trong đó, người Mỹ bắt đầu đổ xô đi học võ thuật. Côn nhị khúc thông thường có hai thanh được nối với nhau bằng dây xích hoặc dây thừng, được cho là có nguồn gốc từ một loại vũ khí trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Nhưng nhiều người, như ông Inosanto, tin rằng côn nhị khúc được phát triển từ một công cụ nông nghiệp dùng để đập lúa. Một số nghiên cứu lại cho rằng nó là một vũ khí tự vệ đặt trên xe ngựa mà giới quý tộc có thể sử dụng để chống lại bọn cướp.
Sự phổ biến của côn nhị khúc đã dẫn đến việc cảnh sát tại Mỹ bắt đầu bắt giữ người dân vì mang theo thứ mà một số người gọi là “vũ khí giết người”, trong đó 4 tiểu bang đã ban hành lệnh cấm sở hữu. 

Những màn hạ đối thủ bằng côn nhị khúc của Lý Tiểu Long tạo sức hút cực lớn ở Mỹ những năm 1960 và 1970

CHỤP MÀN HÌNH

Tháng 5 năm ngoái, sau hơn 40 năm được đưa vào luật, lệnh cấm côn nhị khúc của Arizona, mà một nhà lập pháp gọi là cổ xưa, đã bị bãi bỏ. Vào tháng 12.2018, một thẩm phán liên bang đã bác bỏ lệnh cấm kéo dài hàng thập niên đối với loại vũ khí này ở New York, bất chấp những tranh luận từ các quan chức cho rằng đây là loại vũ khí nguy hiểm.
Động thái này là lý do để các tiểu bang còn lại như Massachusetts và California hướng đến việc bãi bỏ lệnh cấm đối với côn nhị khúc. “Vũ khí có thể là bất cứ thứ gì, từ một tờ báo cuộn lại đến một cây gậy golf, bất kỳ loại vật thể nào có tay cầm. Đối với tôi, điều đó (lệnh cấm) thật ngớ ngẩn”, ông Inosanto nói.
Vào giữa những năm 1960, Lý Tiểu Long đã sử dụng côn nhị khúc trong sê-ri phim truyền hình Mỹ “The Green Hornet”, sau đó là “Fist of Fury” (năm 1972) với những màn sử dụng chống lại hơn một chục đối thủ có vũ khí trong một võ đường. Côn nhị khúc cũng nổi bật trong bộ phim nổi tiếng nhất của Lý Tiểu Long là “Enter the Dragon - Long tranh hổ đấu" vào năm 1973.
Sự phổ biến của côn nhị khúc tăng cực nhanh và dần trở thành nỗi sợ hãi ở một số địa phương tại Mỹ. Năm 1973, tờ The Morning News ở Wilmington từng đăng tải về việc bắt giữ một thiếu niên 15 tuổi mang côn nhị khúc được giấu kín trong người và vũ khí này trở thành một mối đe dọa ở các thành phố của Mỹ buộc cảnh sát phải hết sức cảnh giác.
Một bài báo năm 1973 trên tờ New York Times từng đưa tin về côn nhị khúc xuất hiện trong tay nhiều thanh niên ở Los Angeles, San Francisco và San Diego. Một quan chức của Sở Cảnh sát Los Angeles thời đó nói với tờ Los Angeles Times rằng: “Chúng tôi đã thực hiện gần một chục vụ bắt giữ trong vài tuần qua và phát hiện những đứa trẻ 12 và 13 tuổi đi bộ trên phố với những vũ khí (côn nhị khúc) nằm trong túi của chúng”.
Vào tháng 10.1973, tờ Newsweek đã đặt một tên mới cho côn nhị khúc: gậy giết người. Một tháng sau, tổng chưởng lý California đã trích dẫn bài báo trên Newsweek khi giải thích rằng côn nhị khúc tạo ra hơn 700 kg áp lực sức nặng tại điểm va chạm và có thể làm gãy xương người. Năm 1974, địa phương này cấm sở hữu côn nhị khúc và New York, Arizona và Massachusetts cũng ban hành điều luật tương tự.
Xem lại luật
Sau khi sự phổ biến của con nhị khúc mờ dần, các lệnh cấm đã được xem xét lại. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy rằng sở hữu côn nhị khúc thường xuyên cũng đã dẫn đến một số vụ bị truy tố. Vào năm 2002, một tòa án phúc thẩm ở California đã giữ nguyên bản án của một người chưa thành niên vì sở hữu côn nhị khúc.

Côn nhị khúc nổi bật trong các bộ phim của Lý Tiểu Long

CHỤP MÀN HÌNH

Vụ kiện cuối cùng đã đảo ngược lệnh cấm của New York bắt đầu sau khi một công nhân điện ở địa phương bị một người đàn ông ở Nassau đe dọa bằng súng trường. Khi cảnh sát điều tra, họ tìm thấy côn nhị khúc trong nhà của người đàn ông tênJames M. Maloney. Ông Maloney, một người đam mê võ thuật, đã bị các công tố viên của Nassau buộc tội vào năm 2000. Cáo buộc đã bị bác bỏ 3 năm sau nhờ luật sư bào chữa.
Ông Maloney sau đó đã kiện các quan chức của Nassau tại tòa án liên bang, nói rằng lệnh cấm đã vi phạm điều khoản sửa đổi. Vụ kiện kéo dài hơn 15 năm trước khi lệnh cấm được bãi bỏ vào tháng 12 năm ngoái. Trong vụ án, các quan chức của Nassau cho biết họ đã truy tố 3 trường hợp sở hữu côn nhị khúc từ tháng 12.2014 đến tháng 1.2017.
Các lệnh cấm cũng có liên đới đến thương mại khi côn nhị khúc không được bán ở California, dù người dân vẫn được mua dao và lưỡi lê và mọi thứ khác. Sự thúc đẩy để hủy bỏ lệnh cấm côn nhị khúc ở Arizona đến từ một người đam mê võ thuật: James Gowan, một thượng nghị sĩ tiểu bang, đai đen trong karatedo và dạy võ thuật.
Tại một phiên điều trần vào tháng 2.2019 sau khi dự luật được đưa ra, ông Gowan đã gọi luật này là “cổ xưa” sau giai thoại về các thành viên băng đảng tội phạm đã sử dụng nó để gây ra tội ác, trước thời điểm Lý Tiểu Long trình diễn trên phim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.