Vì sao Nam bộ thiệt hại về người, tài sản do ảnh hưởng của bão số 1?

18/07/2023 20:41 GMT+7

Theo các chuyên gia, bão số 1 dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng đã tác động một phần đến khí quyển, hút gió mùa tây nam khiến sóng và nước biển dâng cao hơn, gió mùa mạnh hơn.

Ngày 18.7, tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 1, trên địa bàn tỉnh này có mưa lớn kèm giông lốc, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa và tài sản của người dân.

Vì sao Nam bộ thiệt hại người và tài sản dù ở xa tâm bão Talim? - Ảnh 1.

Một số tỉnh phía nam có giông lốc do ảnh hưởng của bão số 1

HOÀNG VÂN

Theo đó, trong 2 ngày 16 - 17.7, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có gần 40 căn nhà bị sập và tốc mái, thiệt hại hơn 400 triệu đồng, 2 tàu cá bị sóng lớn đánh chìm, rất may 11 ngư dân đã được cứu an toàn.

Khổ sở ở rốn ngập Thủ Đức: "Đi vô đây cái là chết máy, xe hư"

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 16 - 18.7 xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài trên diện rộng, kèm theo lốc xoáy, làm sập và tốc mái 48 căn nhà, hàng chục cây xanh, trụ điện ngã đổ và một trường học bị tốc mái.

Tại Kiên Giang, chiều 18.7, lúc 12 giờ 30, trên địa bàn xã An Sơn (H.Kiên Hải) xảy ra lốc xoáy lớn làm sập nhà chờ bến cảng An Sơn khiến 1 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương.

Theo thống kê của tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của bão số 1, trong những ngày qua, H.Kiên Hải xảy ra mưa lớn, kèm theo giông lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản người dân.

Xem nhanh 20h ngày 18.7: Bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo các chuyên gia khí tượng, đây là thời điểm gió mùa tây nam hoạt động mạnh, có thể gây ra nhiều ngày có mưa rào và giông ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ, có ngày xuất hiện mưa giông mạnh kèm mưa lớn, mưa tập trung vào chiều tối.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, cho biết bão số 1 dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng đã tác động một phần đến khí quyển, hút gió mùa tây nam khiến sóng và nước biển dâng cao hơn, gió mùa mạnh hơn.

Chuyên gia khí tượng Nguyễn Lan Oanh cho rằng, khi cơn bão số 1 vào vùng biển nóng bắc Biển Đông đã được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào để gia tăng cường độ, tăng tốc độ, gió xoáy hút gió thổi vào từ hai phía, qua đó làm cường độ gió mùa tây nam tăng lên. 

Ngược lại, trong một số trường hợp, gió mùa tây nam mang không khí ấm và ẩm từ vịnh Thái Lan qua các tỉnh Nam bộ khiến bão mạnh hơn (gọi là tương tác hai chiều). 

"Sự tương tác qua lại giữa những hệ thống khí tượng phạm vi lớn là nguyên nhân khiến một cơn bão có thể tác động, gây hiệu ứng thời tiết ở cách xa hàng nghìn cây số, như hiện tượng gió mạnh, giông lốc trên khu vực Nam bộ và vùng biển phía nam", bà Lan Oanh nói.

Xem nhanh 12h ngày 19.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.