Vì sao Nhật Bản tăng nhập khẩu dăm gỗ, viên nén từ Việt Nam?

24/07/2023 18:05 GMT+7

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm nay, dăm gỗ và viên nén gỗ là 2 mặt hàng chính ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ được ghi nhận có giá trị tăng trưởng cao.

Vì sao Nhật Bản tăng nhập khẩu dăm gỗ, viên nén từ Việt Nam? - Ảnh 1.

Mặt hàng dăm gỗ được doanh nghiệp tập kết tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) chờ đóng container để xuất khẩu

PHAN HẬU

Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công thương cho hay, trong tháng 6, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản đạt 135 triệu USD, giảm 18,8% so với tháng 6.2022.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản đạt 812,8 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ có giá trị tăng cao nhất trong nhóm mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 316,5 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 38,94% tổng trị giá xuất khẩu. Mặt hàng viên nén gỗ ghi nhận trị giá xuất khẩu đạt 191,1 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo Bộ Công thương, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ vào thị trường Nhật Bản tăng trưởng cao trong nửa đầu năm là do nước này đang phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng chất đốt là dăm gỗ, viên nén gỗ. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm dăm gỗ và viên nén gỗ ở Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao. 

Còn theo báo cáo do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thực hiện, công bố trong đầu tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong 10 năm qua, khối lượng và trị giá xuất khẩu viên nén của Việt Nam tăng lần lượt là 28 và 34 lần.

Đối với thị trường Nhật Bản, ngoài các đơn hàng xuất, nhập khẩu dài hạn (ký hợp đồng từ 10 - 15 năm), hiện nay một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng thực hiện các hợp đồng ngắn hạn với một số nhà cung ứng Việt Nam.

Nhật Bản cũng là thị trường đòi hỏi viên nén xuất khẩu phải có chứng chỉ tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu (FSC). Hiện nay, nguyên liệu cho viên nén xuất khẩu đi Nhật Bản đều từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu từ cây keo.

Thông tin từ các doanh nghiệp, hiện nay, mỗi năm Nhật Bản sử dụng khoảng 8 triệu tấn viên nén, trong đó 50 - 60% là viên nén gỗ. Dự kiến đến năm 2030, Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ mỗi năm trên 20 triệu tấn viên nén, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 - 15 triệu tấn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chứng chỉ FSC, có nhà máy sản xuất quy mô, quản lý bài bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.