Vì sao phải sản xuất đủ 30 phim mới được duyệt phim?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/08/2023 07:19 GMT+7

Theo dự thảo Thông tư quy định điều kiện cấp giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh đang được Bộ VH-TT-DL lấy ý kiến, một trong những điều kiện UBND tỉnh, TP được cấp phép phổ biến phim là năm trước liền kề các cơ sở điện ảnh có trụ sở trên địa bàn phải sản xuất ít nhất 30 phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình được phép chiếu rạp.

Con số 30 "từ trên trời rơi xuống"

Điều 2 khoản 2 dự thảo Thông tư quy định điều kiện cấp giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Dự thảo) quy định về "điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình của UBND cấp tỉnh".

Theo Dự thảo, một trong những điều kiện để UBND cấp tỉnh được cấp phép là: "Năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 30 phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình được phép phổ biến trong rạp chiếu phim".

Đề cập tới con số "ít nhất 30 phim" nêu trong Dự thảo, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, bày tỏ quan điểm: "Tôi không rõ con số 30 này đưa ra dựa trên tính toán nào". Ông phân tích, theo một thống kê, số lượng phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình được phép phổ biến trong rạp chiếu phim làm được trong 2 năm gần đây của VN đều không đạt 30. Cụ thể, năm 2021, lượng phim Việt được ra rạp là 21; tới năm 2022, con số này dừng ở mức 27 phim.

Vì sao phải sản xuất đủ 30 phim mới được duyệt phim? - Ảnh 1.

Phim hoạt hình Người tuyết bé nhỏ có “đường lưỡi bò” vẫn bị lọt khi được cấp phép ra rạp

Chụp màn hình

PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết, ông hiểu và chia sẻ với việc đưa ra yêu cầu về số lượng phim sản xuất tại địa phương có thể hướng đến việc giới hạn chỉ các địa phương có đủ điều kiện mới có thể thành lập được hội đồng phân loại phim. Điều này giúp tránh tình trạng địa phương nào cũng có thể phân loại phim khiến chất lượng phân loại phim bị ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt đối với sản phẩm nghệ thuật nhạy cảm như phim truyện. Đồng thời, quy định cũng khuyến khích các địa phương tăng cường sản xuất phim để đáp ứng yêu cầu của Bộ VH-TT-DL.

Mặc dù vậy, ông Sơn nhấn mạnh: "Việc giới hạn số lượng 30 phim cần có giải trình thỏa đáng, tránh làm mất đi tính linh hoạt và tự do sáng tạo của các nhà làm phim, tạo môi trường thông thoáng và phù hợp hơn cho điện ảnh nước nhà. Thêm vào đó, chất lượng của việc duyệt phim cũng phụ thuộc nhiều vào thành viên của hội đồng duyệt. Vì thế, theo tôi cần tìm ra một giải pháp linh hoạt hơn để đạt được mục tiêu không bỏ lọt các tác phẩm có vấn đề về pháp luật, tư tưởng, đồng thời vẫn thúc đẩy được phim ra rạp".

Việc giới hạn số lượng 30 phim cần có giải trình thỏa đáng, tránh làm mất đi tính linh hoạt và tự do sáng tạo của các nhà làm phim, tạo môi trường thông thoáng và phù hợp hơn cho điện ảnh nước nhà.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội)

Liên quan tới con số 30 phim truyện nêu trong Dự thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho rằng con số này được đưa ra để lấy ý kiến góp ý và những thành viên soạn thảo luôn đón nhận, lắng nghe các ý kiến góp ý.

Tạo hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua ?

Nhìn nhận chung về các nội dung trong Dự thảo, PGS-TS Bùi Hoài Sơn đánh giá cao nỗ lực của Bộ VH-TT-DL. Những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp điện ảnh VN. Bản thân luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng chủ trương tạo thông thoáng trong việc phân loại phim, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình, phù hợp với xu thế khuyến khích sản xuất nhiều phim VN để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.

Mặc dù vậy, theo ông Sơn, quy định về yêu cầu tối thiểu 30 phim này lại có thể tạo ra hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua đối với tất cả các tỉnh, thành.

"Trong 10 năm gần đây, có ít nhất 3 năm cả nước không sản xuất đủ 30 phim. Điều này dễ bị nhìn nhận rằng các cơ quan quản lý đã cụ thể hóa luật theo kiểu trên mở, dưới đóng, trên nóng, dưới lạnh, khiến luật được Quốc hội ban hành bị giảm giá trị trong thực tiễn cuộc sống", ông Sơn nói.

Nguồn tin riêng của Thanh Niên cho biết, quá trình thảo luận về Dự thảo có nhiều ý kiến e ngại rằng việc phân cấp về các địa phương cấp phép phổ biến phim sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, nên đưa một con số "rào kỹ thuật" cao lên để các địa phương khó đạt được tiêu chuẩn. "Thời gian gần đây, qua các vụ việc phải cấm phổ biến phim khi phát hiện "đường lưỡi bò", rồi bạo lực, người ta thấy việc của hội đồng phim truyện rất khó, phức tạp. Cho nên, có một luồng ý kiến cho rằng hết sức hạn chế việc giao thẩm quyền cho địa phương tổ chức hội đồng duyệt phim truyện. Phim tài liệu, phim hoạt hình thì có thể giao cho tỉnh, thành lập hội đồng rồi cấp phép thoải mái, nhưng phim truyện phải hết sức cân nhắc. Các phim đó rất dễ rơi vào tình thế không kiểm soát được vì năng lực thẩm định của các địa phương hạn chế", nguồn tin này nói.

Về điều này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ quan điểm, phim tài liệu, phim hoạt hình cũng không có nghĩa là không có nguy cơ bị cài "đường lưỡi bò" trong đó. Chúng ta cũng từng gặp trường hợp cấp phép cho phim hoạt hình có "đường lưỡi bò" ra rạp là phim Người tuyết bé nhỏ. Hội đồng duyệt phim quốc gia khi đó cũng đã bỏ sót vụ việc này. Chính vì thế, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng hội đồng duyệt ở địa phương, chứ không phải đưa ra con số 30 phim thiếu căn cứ như trong Dự thảo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.