Vì sao tân tổng thống Bắc Macedonia khiến Hy Lạp tức giận?

13/05/2024 11:02 GMT+7

Nữ tổng thống đầu tiên của Bắc Macedonia đã nhậm chức vào ngày 12.5 và có bài phát biểu khiến nước láng giềng Hy Lạp lập tức phản ứng.

Bà Gordana Siljanovska-Davkova, 71 tuổi, đã chính thức trở thành tổng thống của Cộng hòa Bắc Macedonia với lễ nhậm chức diễn ra tại trụ sở quốc hội ở thủ đô Skopje hôm 12.5, sau chiến thắng của đảng cánh hữu VMRO-DPMNE trong cuộc bầu cử giữa tuần trước.

Phát biểu trước các nhà lập pháp và quan khách tham dự buổi lễ, bà Siljanovska-Davkova cho biết bà sẽ "tôn trọng hiến pháp và luật pháp, đồng thời sẽ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Macedonia".

"Tôi tuyên bố rằng tôi sẽ thực thi chức vụ tổng thống Macedonia một cách tận tâm và có trách nhiệm", AFP dẫn lời nhà lãnh đạo.

Song việc bà sử dụng tên gọi "Macedonia" thay vì "Bắc Macedonia" để chỉ đất nước của mình trong bài phát biểu đã khiến Hy Lạp giận dữ.

Bà Siljanovska-Davkova trong lễ nhậm chức hôm 12.5

Bà Siljanovska-Davkova trong lễ nhậm chức hôm 12.5

REUTERS

Năm 2018, quốc gia Balkan đã chấp nhận thêm từ "North" (tức "Bắc") vào tên gọi của mình để khép lại tranh chấp dai dẳng với Hy Lạp bằng một thỏa thuận lịch sử. Athens vốn phản đối việc nước láng giềng sử dụng cùng tên với một trong những tỉnh có lịch sử lâu đời của Hy Lạp.

Chính vì tranh chấp tên gọi, Hy Lạp không đồng ý kết nạp nước láng giềng vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như trì hoãn các cuộc đàm phán về con đường cuối cùng để Skopje trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU). Sau thỏa thuận "đổi tên" (có hiệu lực vào năm 2019), Bắc Macedonia cuối cùng mới có thể gia nhập NATO trong năm 2020.

Song đảng VMRO-DPMNE theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã phản đối thỏa thuận này và không thừa nhận tên gọi "Bắc Macedonia".

Hy Lạp hôm 12.5 đã lên tiếng chỉ bài phát biểu của bà Siljanovska-Davkova, nói rằng cách lựa chọn từ ngữ của bà "vi phạm trắng trợn" thỏa thuận giữa hai nước.

"Hy Lạp tuyên bố rõ ràng rằng những bước tiến tiếp theo trong quan hệ song phương với Bắc Macedonia và hành trình châu Âu của nước này phụ thuộc vào việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Prespa và trên hết là vào việc sử dụng tên gọi hiến định", Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho hay, đề cập thỏa thuận năm 2018.

Truyền thông địa phương đưa tin đại sứ Hy Lạp tại Skopje đã bỏ ngang buổi lễ nhậm chức của bà Siljanovska-Davkova để thể hiện sự phản đối.

Một phóng viên AFP cho biết văn bản chính thức bài phát biểu của nữ tổng thống vẫn sử dụng tên gọi "Bắc Macedonia".

Bà Siljanovska-Davkova đắc cử chức vụ tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm sau khi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vòng hai nhờ 65% phiếu bầu. Bà đã đánh bại nguyên thủ quốc gia sắp mãn nhiệm Stevo Pendarovski, người giành được 29% phiếu bầu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều gửi lời chúc mừng đến bà Siljanovska-Davkova.

Song trên mạng xã hội X, bà von der Leyen cũng nhấn mạnh rằng Bắc Macedonia phải đi theo "con đường cải cách và tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận ràng buộc của mình, bao gồm Thỏa thuận Prespa", để tiếp tục hành trình gia nhập EU.

Việc phe cánh hữu trở lại nắm quyền ở Bắc Macedonia có nguy cơ dẫn đến căng thẳng giữa nước này với Hy Lạp cũng như với Bulgaria, quốc gia đã đặt ra các điều kiện riêng để Bắc Macedonia gia nhập EU. Sofia từ lâu đã ngăn cản Skopje gia nhập vì các vấn đề ngôn ngữ và lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.