VICEM sẽ bán hay giữ lại nhà máy xi măng hơn 300 tỉ 'đắp chiếu'?

06/04/2023 15:17 GMT+7

Dù Công ty CP xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, song đến nay Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM) vẫn chưa đưa ra quan điểm xử lý khiến các cổ đông, nhà đầu tư cảm thấy rất vô cùng sốt ruột và băn khoăn.

Hàng loạt nhà đầu tư quan tâm hỏi mua

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, hàng nghìn hộ dân đang rất chờ đợi các hướng tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất. Đồng thời, các cổ đông của BCC cũng rất chờ đợi VICEM đưa ra phương án xử lý cuối cùng.

VICEM sẽ bán hay giữ lại nhà máy xi măng 300 tỉ "đắp chiếu"? - Ảnh 1.

BCC đã đề xuất nhưng VICEM chậm trễ trong việc đưa ra phương án xử lý

LÊ QUÂN

Theo tìm hiểu, dự án này do Công ty CP xi măng miền Trung (CRC) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2000, trên diện tích 6 ha, vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng và bắt đầu hoạt động năm 2012. Với chiến lược mở rộng thị phần vào miền Trung, thông qua công ty con là BCC, VICEM đã mua lại 9.953.280 cổ phần của CRC (tương ứng 76,8% vốn điều lệ) với giá 11.560 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 115 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn bởi việc chậm công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Dung Quất nên nhà máy mất 7 năm phơi mưa nắng. Dù không hoạt động nhưng hàng tháng nhà máy vẫn phải trả lương cho 40 lao động để họ duy trì công việc hành chính và bảo dưỡng máy móc, thiết bị, hạ tầng, trông chờ ngày được hoạt động trở lại. CRC lỗ lũy kế đến nay là 254 tỉ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án này, BCC đã có nhiều văn bản báo cáo và xin ý kiến của VICEM; trong đó đưa ra 2 phương án để xử lý: một là giữ lại nhà máy và thứ 2 bán/thoái vốn toàn bộ.

Cụ thể, ngày 19.1.2023, HĐQT của BCC đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-HĐQT về việc thoái vốn đầu tư tại CRC. Nghị quyết giao Tổng giám đốc BCC làm việc với Quảng Ngãi để tháo gỡ, xây dựng phương án thoái vốn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Đồng thời, nghị quyết cũng được gửi tới VCIEM để báo cáo.

Ngày 6.3, BCC có văn bản báo cáo cụ thể VICEM xin chỉ đạo. Về phương án giữ lại, BCC cho biết nếu đồ án được phê duyệt thì nhà máy hoạt động ổn định trở lại và sẽ có lãi như kế hoạch đặt ra ban đầu.

Ở phương án thứ 2 là thoái/bán vốn, theo BCC, thời gian qua có nhiều đối tác quan tâm. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thiên Phú đã được cung cấp hồ sơ cần thiết theo đề nghị của đối tác.

Ngày 25.2, hai bên tiếp tục làm việc và Công ty TNHH MTV Thiên Phú mong muốn mua lại nhà máy. Đối tác khác là Công ty CP Xi măng Đức Sơn cũng mong muốn mua lại toàn bộ cổ phần và đề nghị BCC cung cấp một số thông tin về dây chuyền sản xuất, báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lý, công nợ đối với khách hàng để nghiên cứu. Về công nợ của BCC và CRC, sau khi hoàn tất mua, hai bên sẽ rà soát đối chiếu để trả đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Chậm tháo gỡ, vốn ngân sách thất thoát ai chịu trách nhiệm?

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, mức giá mà BCC từng mua lại (11.560 đồng/cổ phần) vào năm 2013 khá hấp dẫn.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và thẩm định giá dầu khí PIV dùng phương pháp so sánh, định giá công ty khoảng 370 tỉ đồng. Còn Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn) dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) để tính toán cho ra giá bình quân 1 cổ phần của CRC là 18.127 đồng, với giá trị doanh nghiệp hơn 377,2 tỉ đồng và giá trị vốn chủ sở hữu 234,9 tỉ đồng. Sau đó, BCC "chốt" mua 76,8% vốn CRC với giá 11.560 đồng/cổ phần (thấp hơn 36% so với định giá).

VICEM sẽ bán hay giữ lại nhà máy xi măng 300 tỉ "đắp chiếu"? - Ảnh 2.

Trụ sở VICEM tại Hà Nội

LÊ QUÂN

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, cổ phiếu vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng thời gian qua đang tăng giá rất mạnh. Cụ thể: BCC tăng giá rất mạnh từ đáy 5.600 đồng/cổ phiếu lên 12.300 đồng/cổ phiếu. Xi măng Hà Tiên (mã HT1) tăng từ 7.000/cổ phiếu lên 15.000 đồng/cổ phiếu. Xi măng Bút Sơn (BTS) tăng từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu, trước khi điều chỉnh về 6.000 đồng/cổ phiếu…

"Với định giá CRC khá rẻ, tiềm năng của ngành xi măng và vướng mắc quy hoạch được tháo gỡ, thương vụ thoái vốn của VICEM tại dự án này chắc chắn sẽ có sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư. Chúng tôi rất mong chờ cơ hội này", anh Lê Văn Kiên, một nhà đầu tư ở Hà Nội, chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dù các nhà đầu tư tiềm năng liên tục hỏi mua; đồ án quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và Quảng Ngãi công bố vào ngày 30.3, BCC báo cáo xin ý kiến nhiều lần nhưng đến nay VICEM vẫn chưa có chỉ đạo, hướng dẫn BCC về phương án cuối cùng để xử lý.

Các cổ đông đang tỏ ra vô cùng sốt ruột. "Nếu thoái vốn thành công, BCC sẽ thu về được hàng trăm tỉ đồng. Thứ nhất bán được giá cho nhà đầu tư, thứ 2 hoàn nhập được dự phòng đã trích lập (BCC đã trích lập hơn 207 tỉ đồng đối với khoản đầu tư và nợ phải thu tại CRC). Vì sao một cơ hội lớn như vậy lại không rốt ráo thực hiện để bảo toàn vốn và sinh lời đồng vốn ngân sách?", chị T.T.H, cổ đông của BCC, cho biết.

Trong khi đó, vẫn theo cổ đông này, việc chậm trễ kéo dài không đưa ra phương án xử lý có thể dẫn tới việc không thoái được vốn và để nhà máy hoạt động èo uột sẽ dẫn tới lỗ lũy kế càng nặng hơn. Khi đó, quyền lợi của cổ đông, đồng vốn ngân sách bị thất thoát, không được bảo toàn thì VICEM sẽ là bên phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề này, Thanh Niên đã liên hệ trực tiếp với ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc VICEM để trao đổi thông tin, nhưng hết được hướng dẫn gặp ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng VICEM, đến yêu cầu gửi công văn nội dung thông tin mà hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời nào.

Quảng Ngãi sẽ di dời dân, tháo gỡ khó khăn cho nhà máy

Ngày 30.3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời các hộ dân khỏi vùng dự án.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Văn Minh cho biết hiện Quảng Ngãi đã xây dựng nhiều khu tái định cư để đáp ứng đủ yêu cầu của người dân đến năm 2025. Trên cơ sở điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 vừa công bố ngày 30.3, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đảm bảo thực hiện các công việc tiếp theo, trong đó có việc di dời hơn 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất trong thời gian đã cam kết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.