Giải mã bí mật hạt nhân CHDCND Triều Tiên

07/10/2006 19:09 GMT+7

Những vụ thử tên lửa, những tuyên bố về sở hữu vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không ngừng khiến thế giới xôn xao. Vậy đâu là năng lực thực sự của nước này?

Công nghệ tên lửa

Để tìm hiểu về năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, có lẽ nên bắt đầu từ chương trình tên lửa. Theo tài liệu tình báo quốc tế, những quả tên lửa Scud đầu tiên có mặt tại CHDCND Triều Tiên là vào năm 1976, thông qua Ai Cập. Từ đó, CHDCND Triều Tiên đã tự chế tạo các dòng Scud-B của riêng mình vào năm 1984 và sau đó cho ra đời 2 phiên bản mới, Scud-C và Scud-D. Từ thành công này, Bình Nhưỡng tiếp tục xây dựng công nghệ tên lửa mà sự ra đời của các thế hệ Nodong, Taepodong - dựa trên nền tảng Scud - là những cột mốc đáng chú ý.

Hiện CHDCND Triều Tiên đã sở hữu nhiều loại tên lửa tầm ngắn. Trong đó, KN-02, đang ở giai đoạn thử nghiệm, có độ chính xác cao nhất nhưng chỉ có tầm bắn trên dưới 100 km, có thể bay tới các mục tiêu chiến lược của Mỹ và Hàn Quốc ở phía nam khu phi quân sự. Scud-B và C có tầm bắn từ 300 đến 500 km trong khi Scud-D lên tới 700 km. Cả ba loại tên lửa này đã được triển khai, giúp Bình Nhưỡng đặt toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc vào trong "tầm ngắm".

Trên cơ sở Scud, các thế hệ tên lửa đạn đạo Nodong đã ra đời vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Theo Trung tâm hạn chế vũ khí hủy diệt của Mỹ, Nodong có tầm bắn trên dưới 1.000 km (tùy theo thế hệ) nhưng độ chính xác không cao, với sai số từ 2 đến 4 km. Tuy nhiên, điều đáng ngại là Nodong có thể đe dọa trực tiếp tới Nhật Bản. Sau Nodong, Bình Nhưỡng tiếp tục cho ra đời Taepodong-1, là loại tên lửa tầm trung dựa trên công nghệ sản xuất Scud và Nodong. Taepodong-1 có tầm bắn 2.200 km, có thể bay tới các căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Okinawa của Nhật Bản. CHDCND Triều Tiên cũng dựa trên thế hệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Liên Xô để phát triển Taepodong-X, có tầm bắn 4.000 km, có thể vươn tới tận đảo Guam. Nếu như Taepodong-1 cần bệ phóng cố định và thời gian chuẩn bị khá lâu thì Taepodong-X có thể phóng đi từ các bệ di động nên tính linh hoạt vượt trội.

Taepodong-2 là thế hệ mới nhất trong chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ước tính tầm bắn của loại này lên tới 5.000 đến 6.000 km, có thể vươn tận các tiểu bang Alaska, Hawaii cũng như dải đất ven biển miền tây nước Mỹ. Taepodong-2 có thể mang đầu đạn cực lớn, kể cả đầu đạn hạt nhân, có độ chính xác cao hơn Nodong và Taepodong-1.

Sau khoảng 30 năm phát triển, công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên được cho là đã đạt một đẳng cấp khá cao. Hãng tin BBC ước tính nước này hiện có hơn 800 quả tên lửa đạn đạo. Theo tình báo phương Tây thì thế hệ tên lửa Nodong-1 là nguồn xuất khẩu mang lại nhiều lợi nhuận. Một số quốc gia như Libya, Syria có thể đã mua tên lửa loại này. Ngoài ra, tên lửa Shahab-3 của Iran và Ghauri của Pakistan có thể cũng dựa trên nền tảng công nghệ của Nodong.

Những vụ bắn thử

Năm 1993, CHDCND Triều Tiên đã khiến Nhật Bản lo ngại khi phóng một quả Nodong về hướng đảo Honshu trong một vụ bắn thử. Tên lửa sau đó rơi xuống vùng lãnh hải quốc tế ở biển Nhật Bản.

Ngày 31/8/1998, CHDCND Triều Tiên thông báo đã sử dụng tên lửa Taepodong-1 để đẩy vệ tinh Kwangmyongsong lên quỹ đạo từ bãi thử ở bán đảo Musudan-ri. Báo chí nước này cho biết 5 phút sau khi tên lửa rời bệ phóng, vệ tinh đã vào được quỹ đạo. Truyền hình Bình Nhưỡng còn công bố đoạn phim quay cảnh Taepodong-1 bay lên và hình ảnh vệ tinh đầu tiên của họ trong không gian. Nhìn bên ngoài, vệ tinh này tương tự vệ tinh viễn thông Telstar của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ tư lệnh phòng vệ không gian Bắc Mỹ (Mỹ) sau đó nói họ chưa bao giờ phát hiện được vệ tinh của CHDCND Triều Tiên trong vũ trụ bằng mắt thường, radar hoặc nhận thấy tín hiệu của nó. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng vệ tinh này không tồn tại bởi tên lửa Taepodong-1 đã rơi xuống biển do tầng động cơ thứ 3 gặp trục trặc. Dù thực tế thế nào thì sự kiện trên cũng khiến người Nhật một phen hú vía khi tầng động cơ thứ 2 của tên lửa bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương.

Quá trình phát triển tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: KBS

Vụ thử tên lửa gây chú ý nhất của CHDCND Triều Tiên được tiến hành vào ngày 5/7 vừa qua. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc cho biết ít nhất 2 tên lửa tầm ngắn Nodong-A, 2 hoặc 3 tên lửa Scud-C và 1 tên lửa tầm xa Taepodong-2 đã được bắn thử tại nhiều địa điểm ở miền bắc CHDCND Triều Tiên. Tất cả tên lửa tầm ngắn đều rơi xuống vùng biển quốc tế ở biển Nhật Bản, cách các thành phố Vladivostok và Nakhodka của Nga khoảng 100 km về phía nam. Riêng quả tên lửa Taepodong-2 mang nhiều kỳ vọng đã phát nổ trên không chỉ sau 42 giây kể từ khi rời bệ phóng và rơi xuống biển. Đây được coi là một thất bại đối với Bình Nhưỡng trong chương trình phát triển Taepodong-2. Trong các ngày tiếp theo, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và Báo Mainichi Daily News của Nhật đưa tin CHDCND Triều Tiên đã chuyển quả tên lửa Taepodong-2 thứ 2 tới địa điểm phóng. Tuy nhiên, sau đó Bình Nhưỡng không có động thái gì cho thấy họ có thể tiếp tục cuộc thử.

Vũ khí hạt nhân

Song song với việc phát triển tên lửa, CHDCND Triều Tiên cũng bày tỏ tham vọng trong lĩnh vực hạt nhân. Bắt đầu từ năm 1984, nước này đã xây dựng 2 lò tinh chế plutonium tại Trung tâm khoa học hạt nhân Yongbyon, cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc. Theo tình báo Mỹ thì một lò phản ứng nhỏ tại đây đã hoạt động từ năm 1986, có thể cung cấp đủ nguyên liệu để sản xuất một quả bom nguyên tử mỗi năm. Trong khi đó, lò phản ứng lớn, có thể cung cấp đủ plutonium để làm 10 quả bom mỗi năm, vẫn chưa được khánh thành.

Tình hình bắt đầu căng thẳng vào năm 1993, khi CHDCND Triều Tiên nói rằng họ có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân và không cho phép thanh sát viên quốc tế tới các cơ sở hạt nhân của mình. Vào thời điểm 1994, Chính phủ Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng đã có đủ nguyên liệu để chế tạo 10 quả bom plutonium. Tiến trình ngoại giao sau đó đã đạt kết quả bằng việc CHDCND Triều Tiên cam kết ngưng chương trình plutonium theo Thỏa thuận khung 1994. Đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc sẽ giúp nước này xây dựng một nhà máy phản ứng nước nhẹ mới để sản xuất điện nhưng trên thực tế thì nhà máy này chưa bao giờ được khởi công.

Từ bỏ chương trình plutonium, CHDCND Triều Tiên bắt đầu làm giàu uranium, một bước đi không có trong Thỏa thuận khung 1994. Tình báo Mỹ cho rằng Pakistan, thông qua tiến sĩ Abdul Qadeer Khan, đã cung cấp cho CHDCND Triều Tiên công nghệ uranium để đổi lấy công nghệ tên lửa vào năm 1997. Bình Nhưỡng không thừa nhận điều này nhưng những tuyên bố úp mở của họ khiến Mỹ càng nghi ngờ. Đến năm 2005, Bình Nhưỡng thông báo đã xuất các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng Yongbyon để "làm giàu kho vũ khí hạt nhân" và chính thức tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tới thời điểm đó thì CHDCND Triều Tiên vẫn chưa một lần thử vũ khí loại này, khiến dư luận bên ngoài bán tín bán nghi, cho rằng đó có thể là đòn gió nhằm buộc Mỹ nhượng bộ.

Ngày 3/10 vừa qua, CHDCND Triều Tiên chính thức thông báo sẽ thử hạt nhân. Thông báo không đề cập thời điểm cụ thể mà chỉ nói chung chung là "trong tương lai". Những người lạc quan cho rằng đây chỉ là một tuyên bố nhằm tạo dư luận có lợi cho Bình Nhưỡng, tương tự như một số tuyên bố hoặc các vụ thử tên lửa trước đây. Tuy nhiên, giới tình báo phương Tây thì lại nhìn nhận vấn đề rất nghiêm túc.

Hồi giữa tháng 8, một số quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ phát biểu trên Đài truyền hình ABC News rằng có thể Bình Nhưỡng sắp thử vũ khí hạt nhân. Những người này cho biết tình báo Mỹ đã phát hiện nhiều thiết bị, xe cộ và người di chuyển tại căn cứ Pungyee-yok ở miền bắc CHDCND Triều Tiên. Theo phân tích thì Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất. Điều này càng khiến cho tuyên bố hôm 3/10 của CHDCND Triều Tiên "có trọng lượng" hơn. Mới đây, Bình Nhưỡng còn có một động thái đáng chú ý, đó là cuộc họp giữa Chủ tịch Kim Jong-il và các quan chức quân sự. Xâu chuỗi tất cả các dấu hiệu và sự kiện lại (những chuyển động đáng ngờ tại Pungyee-yok, tuyên bố thử hạt nhân, cuộc họp của ông Kim Jong-il...), người ta thấy rằng tính chất của vấn đề giờ đây trở nên rất phức tạp.

Quả thực, khi CHDCND Triều Tiên đã có nền tảng chắc chắn trong lĩnh vực tên lửa, việc nước này phát triển hạt nhân là một vấn đề hết sức hệ trọng. Theo giới quan sát thì với các thế hệ tên lửa như Scud, Nodong và Taepodong, Bình Nhưỡng có thể "phủ sóng" tới Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí tận nước Mỹ ở bên kia Thái Bình Dương. Sẽ là vô cùng nghiêm trọng nếu một số tên lửa này được gắn đầu đạn hạt nhân.

Đỗ Hùng
(BBC, AP, ABC News)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.