Thi hành án hình sự giao cho bộ Tư pháp hay để ở bộ Công an ?

20/09/2006 15:45 GMT+7

Để chuẩn bị cho kì họp thứ 10 - Quốc hội khóa XI, sáng nay 19.9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan cho dự thảo Luật Thi hành án (THA) sắp trình QH kì họp này. PV Thanh Niên lược ghi một số ý kiến xoay quanh việc có nên giữ nguyên việc THA hình sự trong Bộ Công an như hiện nay hay giao hẳn cho Bộ Tư pháp.

Ông Đào Xuân Nay - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận góp ý: Trong xu thế cải cách tư pháp hiện nay, giao việc THA hình sự cho ngành tư pháp là phù hợp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phải có lộ trình cụ thể. Ngay bây giờ chuyển toàn bộ công tác THA cho bộ Tư pháp sẽ xuất hiện nhiều bất cập, không đáp ứng ngay việc THA vốn đang tồn đọng hiện nay.

Cũng trong ý tưởng đó, Luật sư Lê Hồng Sơn - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận góp ý: Nếu chuyển toàn bộ V26 (Bộ công an) sang cho Bộ Tư pháp quản lí sẽ rất đồ sộ. Trong khi dự luật qui định về Cảnh sát tư pháp còn thiếu hoàn thiện, sẽ khó mà thực hiện nổi. Nhưng trước sau gì cũng phải chuyển sang ngành tư pháp phụ trách, vì nó phù hợp với luật pháp quốc tế và phù hợp với bối cảnh chúng ta đang trong tiến trình hội nhập.

Ông Bùi Tín Dũng - Trưởng phòng giám đốc kiểm tra & thi hành án hình sự của TAND tỉnh Bình Thuận góp ý: Nên để nguyên công tác THA hình sự trong  Bộ Công an như hiện nay. Bộ Tư pháp chỉ quản lí về mặt Nhà nước nói chung và làm công tác tham mưu cho Chính phủ. Theo tôi, chuyển công tác THA hình sự cho Bộ Tư pháp sẽ không “kham” nổi.

Trong bản góp ý của mình, Đại tá Phạm Đình Sơn - Giám đốcCông an tỉnh Bình Thuận cho biết: nên giữ nguyên việc THA hình sự trong Bộ Công an và Bộ Quốc phòng như  hiện nay. Bở vì việc THA hình sự có tính răn đe giáo dục, tính cưỡng chế, thậm chí là tính kỹ thuật rất đặc thù. Nếu giao sang cho Bộ Tư pháp lĩnh vực THA hình sự, có thể dẫn đến tình trạng “dân sự hóa  công tác hình sự”. Nên thành lập theo phương án 2 dự luật “THA dân sự - Hành chính” và “THA hình sự” hoặc nên giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên dự thảo phải đổi mới được công tác THA nói chung, kể cả cơ cấu tổ chức để bảo đảm tính ổn định bền vững.

Luật sư Lê Hồng Sơn còn góp ý thêm: Công tác THA cần được phân cấp đến cơ sở để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả. Ông Huỳnh Văn Hùng (Sở Tư pháp Bình Thuận) thì lại khác: Nên chuyển toàn bộ công tác THA cho ngành tư pháp là phù hợp, ngoại trừ THA hình sự trong quân đội. Dự thảo Bộ luật THA chưa điều chỉnh đến quyền lợi của người mua lại tài sản THA. Thực tế có rất nhiều trường hợp mua lại tài sản được THA bị gây khó khăn, nhưng không thấy trách nhiệm của cơ quan THA.

Góp ý về việc THA tử hình và việc có cho người nhà nhận xác tử tù hay không. Luật sư Lê Hồng Sơn cho rằng, trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia mà luật đã qui định thì không thể, những trường hợp khác nếu có đơn của gia đình xin nhận xác tử tù thì có thể chấp nhận. Ông Bùi Tín Dũng góp ý thêm, “nên bỏ qui định làm đơn trong THA dân sự như hiện nay vì nó gây khó khăn cho dân”.

Quế Hà (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.