Có thực mới vực được đạo

05/10/2010 00:49 GMT+7

Hơn hai mươi năm đổi mới của VN, nhân tài đã lộ diện, đã góp sức trong nhiều lĩnh vực và đã chứng tỏ được khả năng phục vụ, cống hiến của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng nhân tài dường như chưa được quan tâm đúng mức, đó đây không hiếm tình trạng người có tài năng phải chịu cảnh “dao mổ trâu đem chém ruồi”, làm những nghề, những việc hoàn toàn không phù hợp với sở học, với trí tuệ để kiếm đường sinh kế.

Việc đào tạo vẫn tiến hành đều đều, mỗi năm cho ra trường vài chục ngàn giáo sinh sư phạm, vài chục ngàn sinh viên y khoa, nhưng mỗi năm cả nước vẫn thiếu hụt một lượng lớn giáo viên, bác sĩ. Chung quy cũng vì đồng lương chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thực tế, và tốt nghiệp sau thì phải phục vụ nơi xa mà lương bổng, phụ cấp cũng chỉ tăng thêm từ vài chục đến vài trăm ngàn so với lương bổng, phụ cấp của đồng nghiệp ở thị thành.

Cho nên tình trạng giáo sinh sư phạm tốt nghiệp xong lại nhảy ra làm việc không phải là nghề dạy học, sinh viên y khoa ra trường không phục vụ trong bệnh viện mà lại làm trình dược viên hoặc khám, chữa dạo… vẫn tiếp diễn. Và các trường học, các bệnh viện, bệnh xá hằng năm vẫn tiếp tục điệp khúc thiếu giáo viên, thiếu bác sĩ.

Cũng may là những năm gần đây một số địa phương trong nước đã ý thức được việc sử dụng nhân tài, và bắt đầu “chạy nước rút” trong việc chiêu hiền đãi sĩ. Không riêng gì “thảm đỏ đón trí thức” được trải ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM mà các địa phương xa như Đắk Lắk, Cà Mau… cũng nỗ lực thu hút kẻ sĩ đến với mình bằng những chính sách đãi ngộ về vật chất có thể gọi là khá lớn so với ngân sách hạn hẹp của một tỉnh. Mức đãi ngộ mỗi nơi mỗi khác, nhưng hình như nơi đi sau có khuynh hướng tăng lên so với nơi đi trước. Chính quyền TP Đà Nẵng khẳng định trí thức, nhân tài đến làm việc tại Đà Nẵng không những được phân bổ công việc đúng với sở trường, khả năng chuyên môn, mà còn được hưởng chế độ, tiêu chuẩn đãi ngộ đặc biệt.

“Trải thảm đỏ đón nhân tài” ngày càng được nâng cao về tiêu chuẩn đãi ngộ và càng được nhiều nơi trong nước sử dụng để thu hút người tài về với địa phương mình. Đây là một nhu cầu hết sức bức thiết đối với công cuộc đổi mới đất nước nói chung và phát triển địa phương nói riêng. Sự chiêu mộ người tài bằng chế độ cung ứng vật chất cao là một cách định lượng đúng giá trị của “món hàng” cần phải có, khi mà nền kinh tế thị trường đã tạo quá nhiều thời cơ, môi trường cho người trí thức, tài năng chọn lựa để đầu quân. Trong đó có những công ty nước ngoài hoạt động tại VN sẵn sàng chi tiền đầu tư khi sinh viên còn ngồi trong giảng đường, hoặc kiên trì săn lùng chất xám ở các trường đại học với lời chào mời là những mức lương quyến rũ, những chế độ hấp dẫn.

Trí thức, nhân tài cũng chỉ là người, cũng phải “có thực mới vực được đạo”, vật chất có đảm bảo, tương xứng với khả năng, với sở học mới không còn băn khoăn, lo âu về cuộc sống áo cơm, về tương lai để yên tâm làm việc và cống hiến.

Nguyên Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.