Việt Nam giữa xu thế ngành chíp bán dẫn toàn cầu tái cấu trúc

16/05/2023 07:02 GMT+7

Trong bối cảnh thị trường chíp bán dẫn toàn cầu đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, VN cũng dần tăng cường vị thế ở lĩnh vực này khi xếp thứ 3 về xuất khẩu chíp vào Mỹ.

Ngày 14.5, tờ Nikkei Asia đưa tin Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sẽ khởi công xây dựng trung tâm phát triển chíp ở thành phố Yokohama (Nhật Bản).

Những bước chuyển lớn

Ước tính chi phí đầu tư cho trung tâm trên khoảng 222 triệu USD. Mức đầu tư này khá nhỏ so với các khoản đầu tư của Samsung gần đây nhằm mở rộng hoạt động sản xuất chíp bán dẫn, điển hình như kế hoạch phát triển tổ hợp sản xuất chíp bán dẫn của tập đoàn này tại Hàn Quốc có giá trị lên đến 230 tỉ USD. Hay Samsung cũng đầu tư nhà máy sản xuất chíp bán dẫn trị giá hàng chục tỉ USD tại Mỹ.

Việt Nam giữa xu thế ngành chíp bán dẫn toàn cầu tái cấu trúc  - Ảnh 1.

Nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp Intel tại TP.HCM

TTXVN

Tuy nhiên, trung tâm trên mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Hàn - Nhật trong ngành chíp bán dẫn, khi cách đây chưa lâu thì hai nước vẫn còn đặt ra các rào cản lẫn nhau về vật liệu bán dẫn. Những năm gần đây, Mỹ đã nỗ lực gắn kết Nhật Bản và Hàn Quốc mà một trong các mục tiêu là cùng phối hợp để tái cấu trúc chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu. Nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc cũng như quan hệ hai nước này liên tục căng thẳng.

Bên cạnh đó, Đài Loan đến nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu. Tính đến năm ngoái, chỉ riêng Tập đoàn TSMC của Đài Loan đã chiếm hơn 50% thị phần sản xuất chíp bán dẫn toàn cầu. Thậm chí, theo tạp chí Fortune, TSMC chiếm đến 90% thị phần sản xuất chíp bán dẫn tiên tiến. Phần lớn nhà máy của TSMC đóng tại Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, tình hình eo biển Đài Loan liên tục căng thẳng, Washington cũng nhiều lần cảnh báo khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Bắc. Nếu điều đó xảy ra, thị trường chíp bán dẫn toàn cầu sẽ bị đình trệ nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế Mỹ. Nên việc Mỹ phối hợp cùng các đồng minh và đối tác tái cấu trúc nguồn cung chíp bán dẫn còn nhằm giảm thiểu rủi ro lâu dài.

Từ năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã tăng cường hợp tác với Mỹ để tái cấu trúc chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu. Trong đó, Samsung đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất chíp bán dẫn với đầu tư lên đến 17 tỉ USD ở bang Texas (Mỹ) và có thể sẽ mở rộng đầu tư để xây dựng tổng cộng 11 nhà máy sản xuất chíp cũng tại Texas với tổng đầu tư lên đến gần 200 tỉ USD.

Mỹ cũng đã ký kết với Ấn Độ biên bản ghi nhớ về việc thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn, mà các chuyên gia coi là cơ hội để cả hai quốc gia giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc, theo tờ The Economic Times. Biên bản ghi nhớ hướng đến việc thiết lập cơ chế hợp tác song phương về phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn dựa theo Đạo luật CHIPS mà Mỹ đã thông qua để tăng cường năng lực trong lĩnh vực bán dẫn.

Dấu ấn Việt Nam

Những yếu tố trên cùng sự chuyển dịch nói chung của chuỗi sản xuất toàn cầu sau đại dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á được đánh giá là điểm đến của quá trình chuyển dịch. Đầu năm nay, tờ Nikkei Asia đưa tin Tập đoàn Dell, chuyên sản xuất máy tính của Mỹ, đặt mục tiêu ngừng sử dụng chíp sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2024. Ngoài chíp, Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện khác như mô đun điện tử và bảng mạch in, cũng như các nhà lắp ráp sản phẩm giúp chuẩn bị năng lực ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, như Việt Nam. Truyền thông quốc tế cũng thông tin Apple có kế hoạch mở rộng một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Trong khi đó, CNBC vừa qua dẫn một số phân tích cho rằng Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như 2 điểm đến tiềm năng cho quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn. Đến tháng 4, Bloomberg đưa tin Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ đang chiếm ưu thế từ các động thái của Mỹ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ.

Tiềm năng và rủi ro

Cũng theo GS Dapice, doanh số của thị trường chíp bán dẫn có thể chưa bùng nổ trở lại trong năm nay, do nhiều người đã mua thêm các thiết bị điện tử, công nghệ trong giai đoạn Covid-19 để làm việc. Nhưng triển vọng các năm tới thì chíp bán dẫn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do sự phát triển của điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật (Internet of Things). Tuy nhiên, cũng có một rủi ro đặt ra là nhiều nước đang chạy đua tung ra các gói hỗ trợ các doanh nghiệp sở tại sản xuất chíp bán dẫn gây nên tình trạng cung vượt cầu.

Theo đó, nhập khẩu chíp của Mỹ trong tháng 2.2023 đạt 4,86 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu từ châu Á chiếm đến 83%. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu chíp bán dẫn vào Mỹ với giá trị 562,5 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị chíp từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ đứng sau Malaysia (972,9 triệu USD, giảm 26,3%) và Đài Loan (732 triệu USD, tăng 4,3%).

Trả lời Thanh Niên ngày 15.5, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) đánh giá: "Lâu nay, việc sản xuất chíp chủ yếu chỉ diễn ra ở một số nền kinh tế. Trong đó, Đài Loan sản xuất chíp tiên tiến và Trung Quốc đại lục đứng sau Đài Loan cả về giá trị và mức độ tiên tiến. Việc đóng gói chíp chủ yếu được thực hiện ở Trung Quốc nhưng cũng dần đa dạng hóa nguồn thực hiện sang ASEAN và các nơi khác. Việc sản xuất chíp sử dụng nhiều lao động, nên ngành này đang có xu thế chuyển đến những nơi có chi phí nhân công thấp. Tất nhiên, máy móc, robot đang được cải tiến để giảm hàm lượng lao động trong ngành này".

"Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều thiết bị điện tử, nên dễ trở thành chọn lựa ưu tiên để đóng gói chíp, vốn không đòi hỏi hậu cần phức tạp. Vấn đề cần giải quyết của Việt Nam là tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Về góc độ này, Việt Nam có thể chưa thể vượt Ấn Độ nhưng hoàn toàn có khả năng vượt Campuchia lẫn Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có dịch vụ hậu cần tốt và có tiềm năng phát triển năng lượng xanh là những yếu tố quan trọng", vị chuyên gia đánh giá. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.