Việt Nam ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/10/2023 06:40 GMT+7

Sáng 18.10, tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba (BRF 3). Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu tại diễn đàn.

Sau lễ khai mạc, BRF 3 tiếp tục với 3 phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực cùng 6 diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển.

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề xuất 3 trụ cột hợp tác về kinh tế số

TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, "Vành đai và Con đường" đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu, là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.

Chủ tịch nước cũng khẳng định VN luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn và nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế số cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh, an sinh xã hội nếu không được định hướng và quản lý phù hợp. Theo Chủ tịch nước, hợp tác "Vành đai và Con đường" đã kịp thời nắm bắt xu thế này và đóng góp quan trọng vào sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia dọc "Con đường tơ lụa kỹ thuật số", từ kết cấu hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, đến hoạt động thương mại sôi động trên không gian số.

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thư ký LHQ António Guterres

TTXVN

Hợp tác thể chế, hạ tầng, nhân lực số

Chủ tịch nước chia sẻ VN coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số. Theo đó, VN đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trên tinh thần đó, VN xác định: Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của VN tăng cao; năm 2022 đóng góp 14,26% GDP, và đang hướng đến mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên

3 trụ cột. Thứ nhất, là hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên.

Thứ hai là hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng tại VN và các nước trong khu vực.

Thứ ba là hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.

Nhiều dư địa hợp tác VN - Campuchia

Cùng ngày, bên lề BRF 3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe...

Tại cuộc gặp Thủ tướng Hun Manet, Chủ tịch nước khẳng định chính sách nhất quán của VN là luôn coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.

Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc ở các cấp; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được; đẩy mạnh hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Chủ tịch nước cũng đề nghị phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người VN tại Campuchia làm ăn, sinh sống, được giải quyết các vấn đề về giấy tờ pháp lý ngày càng thuận lợi hơn.

Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng với đà phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại song phương như hiện nay, hai nước vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và xem xét mở thêm các cửa khẩu quốc tế.

Coi hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác, phối hợp bảo đảm giữ vững ổn định, an toàn, an ninh biên giới, ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới. Hai bên cũng bày tỏ quyết tâm phấn đấu sớm hoàn thành 16% khối lượng phân giới, cắm mốc còn lại.

Tại cuộc gặp Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Chủ tịch nước khẳng định VN luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Sri Lanka, mong muốn đưa quan hệ VN - Sri Lanka phát triển hơn nữa.

Để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai bên mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của nhau, qua đó đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, đồng thời là đồng chủ trì Ủy ban hỗn hợp VN - Sri Lanka sớm tổ chức họp ủy ban hỗn hợp theo cơ chế thường niên để thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt, trong đó có kinh tế - thương mại - đầu tư.

Mẫu hình tốt cho nhiều nước đang phát triển

Bên lề BRF 3, tiếp Tổng thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết VN đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống LHQ triển khai nhiều hoạt động hợp tác như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm công bằng xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Chủ tịch nước đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ VN thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có Chương trình nghị sự chung của chúng ta (OCA) cũng như trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.

Tổng thư ký LHQ cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ của VN dành cho LHQ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực. Tổng thư ký António Guterres nhấn mạnh VN là một hình mẫu tốt cho nhiều nước đang phát triển và là đối tác quan trọng của LHQ, đồng thời bày tỏ trông đợi VN đóng góp ngày càng lớn vào quản trị toàn cầu.

Chia sẻ về tình hình khu vực, hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải đề cao thượng tôn pháp luật, phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại, hợp tác giữa các tổ chức khu vực và LHQ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.