Viết sai chính tả trên Facebook cho vui?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/08/2019 18:43 GMT+7

Ăn cơm hem? Hok đùa nà. No nắng chớt mất. Mỗi ngày mở Facebook, chúng ta không khó khăn để thấy rất nhiều bài viết, bình luận của bạn trẻ đang viết sai chính tả.

Một số người bị nhầm lẫn thật sự, giống như phát âm ngọng và nhầm lẫn giữa n và l; s và x. Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ cố tình viết sai chính tả, chủ động viết chệch theo quy chuẩn tiếng Việt thông thường. Bạn trẻ đang nghĩ gì về việc này?

Facebook cho vui, không quá cứng nhắc?

Nguyễn Anh Hùng, 29 tuổi, tài xế taxi công nghệ, trú quận 8, TP.HCM quan niệm: “Facebook là nơi để giải trí, không phải đời thật. Trong các bối cảnh cần văn phong nghiêm túc, như đơn xin việc, biên bản họp ở cơ quan… sẽ cần chuẩn, nhưng còn viết trên mạng cho vui, viết sai chính tả không vấn đề, miễn là không tục bậy, bạn bè mình đọc hiểu là được”.

Anh Đồng Văn Hùng

Đ.H

Nhà sáng tạo nội dung Đồng Văn Hùng, sáng lập kênh Ẩm thực mẹ làm, cho rằng dù là 9X, tức là thế hệ trẻ, nhưng chính anh nhiều khi cũng ngơ ngác trước những cách diễn đạt của giới trẻ trên Facebook. Hùng chia sẻ: “C oj chik dag lm j vaj?. Người ta hỏi tôi các bạn ấy đang viết gì, tôi phải nhíu mày để dịch ra, không biết đúng không. Xã hội ngày càng phát triển. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội cũng dễ dàng hơn. Trên thế giới ảo, học theo các thói quen mới cũng không khó, càng khiến cho tiếng Việt dễ bị sai lệch, nếu không được kiểm soát. Các học sinh nhỏ tuổi, các bạn nhỏ đó nếu đọc được những bài viết, người lớn viết sai chính tả sẽ nói sao, chẳng lẽ chúng ta lý giải, bố mẹ với cô dì chỉ viết cho vui, còn con phải viết đúng chính tả? Cá nhân tôi, tôi luôn bỏ qua, không quan tâm những gì viết sai chính tả trên mạng xã hội, dù bất cứ về nội dung gì...”.

Không còn là điều hiếm gặp

Nguyễn Thanh Hương, 23 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, hiện làm ngành truyền thông đa phương tiện, cho biết cô rất khó chịu với những bài viết sai chính tả trên Facebook, dù nội dung có hay tới đâu, nhìn thấy bị sai chính tả đã thấy “mất cảm tình”. “Có một thời gian, tôi thấy bạn trẻ theo trào lưu các bài viết chuyển hết những từ l thành n, và ngược lại. Ví dụ, No nắng mấy hôm lay, dồi cũng tới núc thở phào, em đã nấy bằng nái se dồi các cụ các mợ ạk.  

Anh Phạm Văn Hậu

V.HH

Anh Phạm Văn Hậu (còn được biết tới với tên Hau Zozo), Streamer của FacebookGaming thừa nhận, thực tế việc các bạn trẻ viết sai chính tả trên mạng xã hội không còn là điều hiếm gặp, thậm chí việc này nó còn trở thành xu hướng (trend) trong việc diễn tả ngôn ngữ, cảm xúc của từng bạn trẻ trong các câu chuyện. “Nhưng có lẽ đôi khi một số bạn trẻ lại quá lạm dụng việc này, và họ dùng ngôn ngữ sai chính tả như một xu hướng quá đà, không kiểm soát mà không biết rằng cần phải áp dụng đúng người, đúng đối tượng, đúng vào trường hợp các bài viết. Nên điều này rất có thể sẽ gây ra sự khó chịu, thậm chí là sự thiếu tôn trọng với người đọc”.
Anh Hậu không ủng hộ việc viết sai chính tả trên Facebook vì cho vui. “Ngôn ngữ là thể hiện cho tư duy kiến thức, cảm xúc của từng người. Người đọc sẽ là những người nhìn nhận bài viết đó để đánh giá khái quát một phần nào đó về người viết và tiếp nhận thông tin từ bài viết đó. Và có một thực tế là mạng xã hội không chỉ dành riêng cho giới trẻ, trên mạng xã hội có rất nhiều người và nhiều độ tuổi khác nhau, kiến thức khác nhau, tư duy và suy nghĩ cũng sẽ khác nhau. Vậy nên việc viết sai chính tả, dùng những ngôn từ không chính xác, rất có thể sẽ gây ra sự hiểu nhầm, nhiễu thông tin và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng”.

Ai cũng cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Yến Phượng cho rằng không chỉ viết sai chính tả, nhiều bạn trẻ dùng Facebook hiện nay viết, nói những tiếng lóng. Ví dụ, trang điểm sương sương, được hiểu là trang điểm nhẹ. Nhậu sương sương, là nhậu tà tà, chậm rãi. Nhưng bây giờ nhiều bạn viết “lương đầu tháng xương xương vậy thôi”, “cho một ly xương xương cà phê”.
Theo tác giả nhiều đầu sách được giới trẻ yêu thích, sẽ không ai cấm bạn viết sai chính tả trên Facebook, tuy nhiên, là một người trẻ, nhìn nhận từ khía cạnh xây dựng thương hiệu cá nhân từ Facebook, Facebook không chỉ là nhà, mà còn là nơi có thể kinh doanh, làm việc, gặp gỡ và giao dịch với các khách hàng, đối tác, thì rõ ràng, việc cố tình viết sai chính tả tiếng Việt trên trang cá nhân của mình một cách thường xuyên sẽ không nên. Nhiều người nói rằng, họ chặn sếp của mình, nhưng còn những người khác, có thể là đối tác, khách hàng của bạn, khi nhìn thấy quá nhiều các bài viết của bạn bị lệch chuẩn tiếng Việt, thiếu nghiêm túc… cái nhìn về bạn ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nhà văn Yến Phượng

G.N

“Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là việc cần làm của bất kỳ ai. Độ tuổi dùng mạng xã hội bây giờ ngày càng trẻ hóa, trẻ em nếu đọc được những bài viết của chính cha mẹ, anh chị, ông bà mình nhưng dùng từ sai chính tả, không trong sáng, dần dần các em sẽ có thể nghĩ, đó là cách viết đúng, được phép viết như vậy”, nhà văn trẻ nói.
Anh Phạm Văn Hậu cho rằng không viết sai chính tả, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có lẽ không chỉ riêng trên mạng xã hội, mà còn ở bất kỳ đâu nếu có thể. Làm tốt điều đó sẽ giúp chúng ta thể hiện sự tôn trọng với bạn bè, đồng nghiệp, người thân của chúng ta và với cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.