Vụ cô giáo bị đánh: Học sinh tiểu học có xếp loại hạnh kiểm trung bình?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/05/2023 18:23 GMT+7

Vụ việc ở Đắk Nông, con bị hạnh kiểm trung bình, bố đánh cô giáo gây bức xúc trong dư luận. Vẫn có học sinh THCS và THPT xếp loại hạnh kiểm trung bình, khá, tốt theo các thông tư hướng dẫn đánh giá học sinh hiện hành. Vậy còn cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học hiện nay như thế nào?

Học sinh tiểu học có xếp loại hạnh kiểm trung bình không? - Ảnh 1.

Vụ việc ở Đắk Nông, con bị hạnh kiểm trung bình, bố đánh cô giáo gây bức xúc trong dư luận

CHỤP MÀN HÌNH

Học sinh lớp 1, 2, 3 đánh giá, xếp loại theo Thông tư 27

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT thì việc đánh giá học sinh tiểu học căn cứ vào 2 nội dung sau:

- Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:

+ Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

+ Những năng lực cốt lõi bao gồm:

++ Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;

++ Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Quán tri thức số 12 | Trẻ mầm non bị bạo hành liên tục: làm sao chấm dứt?

Cũng theo thông tư trên, vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên về học tập các môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh của mỗi học sinh, đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo các mức sau:

- Xếp loại đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục theo 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.

- Xếp loại đánh giá định kỳ về sự hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo 3 mức sau:

+ Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

+ Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.

+ Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Học sinh tiểu học có xếp loại hạnh kiểm trung bình không? - Ảnh 2.

Kết quả đánh giá một học sinh lớp 2 tại TP.HCM cuối năm học 2022-2023

PHÚC DUY

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 20.10.2020 và được thực hiện theo lộ trình như sau:

Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.

Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.

Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.

Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Như vậy, cho tới hết năm học này (2022-2023) thì học sinh lớp 1, 2, 3 (lớp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018) áp dụng Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học. Theo cách trên thì không còn xếp loại hạnh kiểm học sinh theo các mức tốt,  khá, trung bình...

Vụ đánh cô giáo vì con bị hạnh kiểm trung bình: Phụ huynh cũng là giáo viên

Học sinh lớp 4, lớp 5 đánh giá xếp loại thế nào?

Vậy còn học sinh lớp 4, học sinh lớp 5 trong năm học 2022-2023 thì áp dụng thông tư nào để đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học?

Việc đánh giá, xếp loại học sinh lớp 4, lớp 5 được áp dụng Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. Cụ thể:

Điều 4. Yêu cầu đánh giá

1.Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

2. Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

3. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

4. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 29.5

Điều 5. Nội dung đánh giá

1. Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

2. Đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh:

a) Năng lực: tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề;

b) Phẩm chất: chăm học, chăm làm; tự tin, trách nhiệm; trung thực, kỷ luật; đoàn kết, yêu thương.

Học sinh tiểu học có xếp loại hạnh kiểm trung bình không? - Ảnh 3.

Cách đánh giá xếp loại học sinh tiểu học hiện nay được đánh giá nhân văn, toàn diện hơn

TNO

Khoản 3 điều Điều 6 nêu rõ: Đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất:

a) Giáo viên căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kỹ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời;

b) Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân;

c) Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.

Khoản 3 điều 10 của thông tư 22/2016/TT-BGDĐT cũng quy định: Đánh giá định kỳ về năng lực, phẩm chất

Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào các biểu hiện liên quan đến nhận thức, kỹ năng, thái độ trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh, tổng hợp theo các mức sau:

a) Tốt: đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;

b) Đạt: đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên;

c) Cần cố gắng: chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

"Không xếp loại hạnh kiểm trung bình, tốt, khá ở tiểu học sẽ nhân văn hơn"

Trao đổi với PV Thanh Niên, hiệu trưởng một trường tiểu học tại H.Hóc Môn, TP.HCM cho biết trước đây từng có giai đoạn học sinh từ tiểu học đã được xếp loại hạnh kiểm theo các bậc hạnh kiểm tốt, khá, trung bình, yếu. Còn hiện nay học sinh tiểu học có những thông tư quy định cụ thể về đánh giá, xếp loại học sinh về học tập, về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của người học, theo các mức độ tốt, đạt, cần cố gắng.

"Cách đánh giá này giúp giáo viên đánh giá toàn diện học sinh hơn. Và ở trong độ tuổi học sinh tiểu học, giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách, rèn luyện năng lực phẩm chất, thầy cô uốn nắn, dạy dỗ trẻ từ những điều nhỏ nhất. Đánh giá học sinh với các bậc "tốt", "đạt", "cần cố gắng" cũng mang tính nhân văn, khuyến khích học sinh cố gắng hơn là những dòng chữ ghi "hạnh kiểm yếu", "hạnh kiểm trung bình"… vào học bạ sẽ đi theo các học trò suốt cả cuộc đời", hiệu trưởng này cho biết.

Xem nhanh 12h ngày 27.5: Hé lộ bí ẩn thi thể bị đốt ở Bình Dương | Phụ huynh đến nhà đánh cô giáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.