'Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/06/2023 13:24 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở chắc chắn sẽ làm tăng biên chế, chi từ ngân sách rất lớn, trong khi đó dự thảo luật dường như bỏ quên sự tham gia của người dân trong bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Ngân sách phải chi chắc chắn rất lớn

Sáng 20.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi nghe tờ trình dự án luật của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội.

'Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế' - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu)

PHẠM THẮNG

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu thống nhất sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, song băn khoăn với những tác động về kinh phí, biên chế của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được thành lập theo dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nói dự thảo luật quy định kinh phí đảm bảo cho lực lượng này do địa phương tự cân đối, trường hợp địa phương khó khăn thì T.Ư hỗ trợ nếu có điều kiện; hay nơi làm việc của lực lượng là nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố… là "không khả thi".

"Tôi nói các đồng chí làm gì bố trí được. Điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ có cái phòng be bé làm sao bố trí như thế. Xã bây giờ trụ sở làm việc còn đang khó nữa là", ông Khánh nêu, đề nghị dự thảo luật phải làm rõ tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, kinh phí đảm bảo của lực lượng này thì mới làm được.

Tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cũng đề nghị phải đánh giá kỹ tổng biên chế, tổng mức chi từ ngân sách cho lực lượng này sau khi thành lập.

'Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế' - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

"Trước đây HĐND chỉ chi cho ông tổ trưởng, tổ phó, còn lại là xã hội hóa. Nhưng theo dự luật thì chúng ta đang hành chính thêm 1 cấp, ngân sách nhà nước phải chi chắc chắn sẽ rất lớn. Địa phương tôi phải cho thống kê lực lượng này hiện có là bao nhiêu, giờ chuyển qua chế độ phụ cấp không biết bao nhiêu tiền nữa", ông Lưu nói.

Ông Lưu cũng cho rằng, về mô hình tổ chức, nếu thành lập thì phải tổ chức lực lượng này theo mô hình hành chính cấp phường, xã. Nghĩa là phường, xã phải chịu trách nhiệm quản lý, còn công an xã chỉ hướng dẫn về nghiệp vụ.

"Nguyên tắc ai cấp tiền thì quyết định biên chế. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an chỉ nên quy định khung, chẳng hạn quy mô dân phố bao nhiêu thì số lượng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự bao nhiêu là phù hợp. Căn cứ vào đó thì HĐND phê duyệt số lượng và kinh phí đảm bảo. Ở đây dự thảo luật lại quy định UBND xã quyết định thành lập, còn HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí đảm bảo hoạt động thì chắc chắn không được", ông Lưu phân tích.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi: Người dân xứng đáng có một chương riêng trong luật mới

"Vì dân, do dân nhưng dân lại cứ đứng ở ngoài"

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) nêu quan điểm việc xây dựng dự thảo luật cần đặt mục tiêu tăng cường, đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. "Nếu ban hành luật chỉ để thống nhất các lực lượng có sẵn thành lực lượng chung thì Thủ tướng chỉ cần ban hành một nghị định là được", ông Hồi nhìn nhận.

'Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế' - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng)

PHẠM THẮNG

Đại biểu Hải Phòng kiến nghị dự thảo luật cần thêm một chương về huy động người dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

"Như vụ việc ở Đắk Lắk vừa rồi, có phải thích là gọi dân tham gia được đâu. Luật cần phải toàn diện, bao trùm hơn. Chúng ta nói vì dân, do dân nhưng dân lại cứ đứng ở ngoài", ông Hồi nói, cho rằng cần phải nhận thức đúng hơn với vấn đề an ninh, trật tự ở cơ sở vì nếu cứ đi vào vấn đề cụ thể thì mục đích bao trùm vẫn không đạt được.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề: "Điều tôi quan tâm, tôi nói thật, là Chính phủ có cam kết luật này ban hành sẽ tạo sự chyển biến rõ nét trật tự, an ninh, an toàn ở cơ sở hay không?".

Theo ông Hận, tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã không đồng ý xem xét thông qua luật. Do đó, lần này trình ra, cơ quan trình phải trả lời, giải trình cho được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đặt ra. 

"Hy vọng như thế đại biểu Quốc hội kỳ này mới có thể mạnh dạn thông qua trong kỳ họp tới", ông Hận nói.

'Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế' - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

PHẠM THẮNG

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng cho biết, Quốc hội khóa XIV sau khi lấy phiếu ý kiến đại biểu Quốc hội đã không tán thành xem xét, thông qua luật này.

"Muốn Quốc hội tiếp tục xem xét dự án luật phải lấy lại ý kiến Quốc hội. Việc Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dưng luật không có nghĩa là Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành luật này mà chỉ là để xem xét", ông Vân nói, nhấn mạnh đề nghị lấy lại ý kiến đại biểu Quốc hội một lần nữa cho thuyết phục, chín muồi.

Đại biểu Cà Mau cũng cho rằng, việc thống nhất lực lượng hiện hữu lên tới hàng triệu người thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bố trí ở từng thôn, tổ dân phố như dự thảo luật thì kinh phí chắc chắn rất lớn, không thể mỗi tỉnh trung bình chỉ 30 tỉ như báo cáo của Chính phủ.

Ông Vân cho rằng đây là tác động cần phải đánh giá cho kỹ.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đại biểu tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, trong mục tiêu đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở thì cần phải đề cao vai trò và sự tham gia của nhân dân.

"Sự kiện vừa rồi ở Đắk Lắk không có sự tham gia của nhân dân làm sao nhanh chóng vây bắt được hàng chục đối tượng như thế. Củng cố thế trận lòng dân là tối quan trọng chứ không cần củng cố lực lượng khác", ông Vân nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.