Vùng đất 'Kinh đô kháng chiến' vươn mình thành trung tâm dược liệu của Quảng Trị

20/06/2023 14:39 GMT+7

Trong lịch sử, vùng đất Cam Lộ (Quảng Trị) từng 2 lần được lựa chọn, đặt "Kinh đô kháng chiến", một lần Vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương kêu gọi chống Pháp cứu nước và lần đặt Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Vùng đất 'Kinh đô kháng chiến' vươn mình thành trung tâm dược liệu của Quảng Trị - Ảnh 1.

Một góc TT.Cam Lộ (H.Cam Lộ, Quảng Trị) nhìn từ trên cao

Nguyễn Phúc

Hai di tích lịch sử cấp quốc gia là Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Thành Tân Sở đang được bảo tồn, tôn tạo, tạo điểm nhấn về quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Từ buổi đầu lập lại đầy khó khăn sau chiến tranh, Cam Lộ đã có những nỗ lực vượt bậc để trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Trị đến thời điểm này đạt chuẩn "Nông thôn mới". Từ một huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, Cam Lộ vừa tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương để phát huy những tiềm năng lợi thế huyện nhà... có những thành quả rực rỡ.

Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, ở Cam Lộ, cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực và ngành nghề chế biến cây dược liệu từng bước hình thành, phát triển. Nhiều đơn vị đã đến địa phương để xây dựng nhà máy, đồng hành với nông dân trồng và chế biến cây dược liệu. Đây là điều kiện quan trọng để đưa huyện Cam Lộ từng bước trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.

Vùng đất 'Kinh đô kháng chiến' vươn mình thành trung tâm dược liệu của Quảng Trị - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Cam Lộ tham quan mô hình trồng dược liệu để đưa về trồng tại địa phương

Thanh Lộc

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã chuyển đổi gần 169 ha đất lâm nghiệp và 45 ha đất bạc màu sang trồng các loại cây dược liệu, nâng diện tích cây dược liệu trên toàn huyện lên hơn 279 ha. Trong số đó có một số loại cây tiềm năng và có giá trị kinh tế cao như: cà gai leo, quế, tràm năm gân, cây an xoa.

Ngoài ra, nhờ tích cực kêu gọi nhiều nhà đầu tư và tổ chức tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại cây dược liệu có thế mạnh trên địa bàn huyện mà chỉ trong vòng 2 năm 2021 - 2022, huyện đã xuất khẩu 3 lô cao dược liệu sang Mỹ, Canada với tổng giá trị hơn 4,5 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.