'Vương quốc sầu riêng' kêu cứu

07/06/2016 14:37 GMT+7

Các nhà vườn tại khu vực ven sông Tiền (huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), nơi được mệnh danh là 'vương quốc sầu riêng', đang kêu cứu vì loại trái cây đặc sản này rớt giá mạnh.

Anh Nguyễn Thanh Huỳnh, một chủ vựa chuyên xuất khẩu trái cây ở xã Long Trung (huyện Cai Lậy) cho biết: “Lấy lý do sầu riêng VN chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, từ 15.5.2016 phía Trung Quốc chính thức cấm nhập mặt hàng sầu riêng từ VN qua các cửa khẩu chính ngạch rồi 3 ngày sau họ tiếp tục cấm luôn đường tiểu ngạch. Do vậy, một số thương lái Trung Quốc có làm ăn với Thái Lan đã nhập sầu riêng VN bằng cách “mượn đường” của Thái Lan nên phải chịu mức phí rất cao”.
Cụ thể, theo bày vẽ của các thương lái Trung Quốc, nếu muốn bán thì sầu riêng VN phải núp dưới danh nghĩa Thái Lan, phải mang bao bì, nhãn hiệu của Thái, nhưng rất bấp bênh, lệ thuộc là khi nào họ móc ráp được với thương lái Thái thì mới đặt mua hàng, không móc ráp được thì ngưng. Đó là lý do khiến giá sầu riêng giảm, nông dân bị thiệt hại. Trong khi trên thực tế họ vẫn vào thị trường VN, mua sầu riêng của VN, nhưng thông qua thương lái VN làm từ A đến Z và đưa hàng tới tận cửa khẩu.
Cũng theo anh Huỳnh thì trước ngày 15.5, một container sầu riêng (dao động từ 14 - 16 tấn) qua cửa khẩu Trung Quốc phải chịu thuế xuất nhập khẩu là 25 triệu đồng. Nhưng từ khi họ áp dụng “chiêu” cấm nhập, các thương lái Trung Quốc mua sầu riêng VN qua ngả Thái Lan, thì mức thuế đã tăng lên từ 110 - 125 triệu đồng, tức là tăng gấp 5 lần so trước đây.
Theo ước tính, tại khu vực các xã Long Trung, Tam Bình, Ngũ Hiệp… của huyện Cai Lậy hiện có hơn 50 vựa trái cây. Vào lúc cao điểm mỗi ngày xuất khoảng 30 container. Nếu mỗi container phải chi thêm hơn 100 triệu đồng thì mỗi ngày nông dân phải mất thêm 3 tỉ đồng.
Vấn đề đặt ra là hiện nay đang chuẩn bị cho vụ sầu riêng nghịch vụ, đang xử lý ra hoa, đến tháng 10 âm lịch thu hoạch. Nếu tình trạng bấp bênh kéo dài thì nông dân thiệt hại nặng, vì mức đầu tư trái vụ cao gấp 3 lần, chưa nói tới khó khăn do thời tiết, sâu bệnh. Vì vậy, bà con nông dân đang trông chờ Bộ NN-PTNT và các đơn vị xuất khẩu có giải pháp giúp nông dân.
Sầu riêng "xuống đường" ở Cai Lậy Ảnh: Hoàng Phương
Theo các chủ vựa thì việc xuất khẩu đình trệ không phải chỉ có nông dân chịu thiệt hại mà chính họ và thương lái cũng bị ảnh hưởng. Bởi vì khi đã mua hàng rồi mà gặp ách tắc thì phải bán lại giá rẻ, chịu lỗ vì thường phải đặt mua trước từ 10 ngày đến một tháng và đặt tiền cọc từ 20 - 30%. Ví dụ vườn sầu riêng ước chừng 10 tấn, giá 45.000 đồng/kg thì phải đặt cọc trước 150 triệu đồng. Tiền do chủ vựa ứng trước, thương lái đi mua. Trong trường hợp không bán được hàng, thương lái bị ''ôm xô'' thì ép… nhà vườn, đòi giảm giá.
Ông Ngô Quốc Cường, Phó bí thư Đảng ủy xã Long Trung cho biết toàn khu vực hiện có hơn 10.000 ha sầu riêng. Từ giá 45.000 - 50.000 đồng/kg nay đã tụt xuống còn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Trồng sầu riêng phải mất 6 năm mới thu hoạch, mức đầu tư, công chăm sóc rất lớn. Giá giảm một nửa, nông dân bị thiệt hại nặng.
Theo TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết: “Đó là cách mà Trung Quốc đã từng làm với cây chuối của Philippines, không phải là mới. Trong khi thực tế thì Thái Lan cũng không đủ sầu riêng để xuất khẩu nên từ năm ngoái, họ đã vào thị trường VN”.
“Bà con nông dân nên bình tĩnh, không bán giá thấp, vì nhu cầu nhập khẩu hiện đang rất lớn. Trong trường hợp khó khăn, thậm chí ta có thể xẻ ra đông lạnh để bán sau vẫn được”, TS Nguyễn Minh Châu nói.

tin liên quan

Trái cây Thái Lan chứa chất độc hại
Mới đây, Thai-PAN, tên viết tắt của Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan, cho biết có đến 57,1% các loại rau quả được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn 'Q' công nhận sản phẩm đạt chất lượng bị phát hiện chứa chất độc hại vượt mức an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.