Vương quyền châu Âu trong bước chuyển tiếp

15/01/2024 06:30 GMT+7

Đan Mạch có tân vương, người được xem là nhiệt thành với các vấn đề đương đại như biến đổi khí hậu, góp phần thổi luồng gió mới vào các gia đình hoàng tộc châu Âu đang cố gắng thay đổi để tiếp tục tồn tại.

Hôm qua 14.1, nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch chính thức thoái vị sau 52 năm ở ngôi, trao lại vương quyền cho con trai cả là thái tử Frederik, người từ đây sẽ là vua Frederik X. Hoàng gia Đan Mạch không tổ chức lễ lên ngôi long trọng với hàng loạt nghi thức truyền thống như khi vua Charles III lên ngôi ở Anh hồi tháng 5.2023. Thay vào đó là một buổi lễ đơn giản: Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen công bố tân vương từ ban công của tòa nhà quốc hội và vua Frederik X phát biểu ngắn gọn, theo Reuters.

Vương quyền châu Âu trong bước chuyển tiếp- Ảnh 1.

Nữ hoàng Margrethe II ký vào tuyên bố thoái vị, bên cạnh tân vương Frederik X, tại trụ sở quốc hội Đan Mạch hôm 14.1

Reuters

Tân vương và thời đại mới

Trong bài phát biểu đêm giao thừa vào ngày 31.12.2023, nữ hoàng Margrethe II đã gây bất ngờ khi thông báo bà sẽ thoái vị - chuyện lần đầu tiên xảy ra tại Đan Mạch trong gần 900 năm. Lên ngôi vào năm 1972, bà trở thành người nắm giữ vương quyền lâu nhất châu Âu còn tại vị sau khi nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời vào tháng 8.2022. Bà cũng là vị quân chủ có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Đan Mạch.

Sinh năm 1968, vua Frederik X thuộc thế hệ hoàng thân quốc thích trẻ ở châu Âu, những người thường xuyên xuất hiện trên tin tức và tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng mới. Trong khi nữ hoàng Margrethe II từng khiến các nhà khoa học thất vọng khi nói rằng bà không tin biến đổi khí hậu là do con người trực tiếp gây ra, thì con trai bà lại nổi tiếng là người quan tâm đến các vấn đề môi trường, theo The New York Times.

Tân vương và hoàng hậu Đan Mạch lên ngôi, người Đan Mạch kỳ vọng vào thay đổi mới

Khi còn là thái tử, vua Frederik X đã đến vùng Bắc Cực, chuyến đi đã thay đổi vĩnh viễn quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay cũng như thúc đẩy ông phải lên tiếng. Ông tham dự các hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, nhiều lần phát biểu cũng như trả lời phỏng vấn về các vấn đề môi trường, nhấn mạnh tính cấp thiết phải hành động và gây áp lực buộc các nhà đầu tư phải tính đến tình trạng nóng lên toàn cầu khi sử dụng vốn.

Vua Frederik lên ngôi vào thời điểm sự ủng hộ của công chúng Đan Mạch dành cho hoàng gia đang ở mức cao. Theo AFP, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn 80% người dân Đan Mạch ủng hộ tân vương.

Thay đổi để tồn tại

Theo trang Euronews, nền quân chủ vẫn đang tồn tại ở 12 quốc gia châu Âu, bao gồm các vương quốc và công quốc. Phần lớn các nước theo chế độ quân chủ lập hiến, trong đó hoàng gia chỉ đóng vai trò lễ nghi mà không có thực quyền chính trị.

Song các gia đình hoàng tộc châu Âu đã đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích trong những năm qua, liên quan việc sử dụng tiền thuế của người dân cũng như hàng loạt bê bối. Trong bối cảnh đó, các hoàng gia đã cố gắng điều chỉnh để thích nghi, từ bỏ những truyền thống hàng trăm năm.

Vào năm 2022, nữ hoàng Margrethe II đã tước bỏ danh hiệu hoàng tộc của 4 trong số 8 cháu của bà nhằm thu nhỏ quy mô hoàng gia và "bảo vệ tương lai" của nền quân chủ Đan Mạch, theo CNN. Trước đó, vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển cũng làm tương tự với 5 cháu của mình.

Theo Đài DW, việc nữ hoàng Đan Mạch chủ động nhường ngôi cho con tiếp nối xu hướng đang diễn ra tại các gia đình hoàng tộc châu Âu (ngoại trừ Anh). Ở Hà Lan, việc các quân chủ lớn tuổi trao lại cho thế hệ trẻ giờ đây đã trở thành thông lệ: Nữ hoàng Beatrix thoái vị vào năm 2013, nối bước mẹ và bà nội của bà. Vua Albert II của Bỉ và vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha cũng chủ động nhường ngôi cho con trai cả của họ.

Nữ giới sẽ chiếm ưu thế

Việc nữ hoàng Margrethe II thoái vị khiến châu Âu hiện tại không còn phụ nữ nào nắm giữ ngai vàng. Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi trong tương lai với thế hệ công chúa sinh trong thế kỷ 21, bao gồm: công chúa Elisabeth của Bỉ, sinh năm 2001; Catharina-Amalia của Hà Lan (2003); Ingrid Alexandra của Na Uy (2004); Leonor của Tây Ban Nha (2005); và Estelle của Thụy Điển (2012). Không giống thế hệ trước, các "nữ hoàng tương lai" này có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các vấn đề toàn cầu, và thậm chí có người đã thực hiện nghĩa vụ quân sự, như công chúa Leonor, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.