Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan:

'Xét nghiệm âm tính botulinum cũng không loại trừ nguyên nhân do chả lụa'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/05/2023 12:28 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong vụ ngộ độc botulinum tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), với kết quả xét nghiệm âm tính cũng không thể loại trừ chả lụa không liên quan, mà nếu dương tính cũng không dám trăm phần trăm khẳng định tại chả lụa.

Sáng 26.5, trao đổi bên hành lang Quốc hội về vụ ngộ độc botulinum tại TP.Thủ Đức, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng với vụ ngộ độc ở TP.Thủ Đức, việc ý nghĩa nhất không phải đi tìm xem nguồn lây nhiễm từ đâu. "Cái này cực kỳ khó và thực tế đã chứng minh", bà Lan nêu.

'Xét nghiệm âm tính botulinum không loại trừ nguyên nhân do chả lụa' - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trao đổi bên hành lang Quốc hội

GIA HÂN

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, vụ ngộ độc ở TP.Thủ Đức có điểm chung là các nạn nhân đều ăn chả lụa.

Với trường hợp 3 trẻ em ở Thủ Đức, chả lụa đã ăn hết nên chỉ có thể đem mẫu bánh mì đi thử. Các trường hợp còn lại đã lấy được mẫu chả lụa của người đi bán dạo và cả chả lụa sản xuất ở cơ sở, nhưng đều cho kết quả âm tính.

"Truy nguồn gốc chúng ta cũng chỉ truy được đến đó thôi. Với kết quả âm tính cũng không thể loại trừ chả lụa không liên quan, mà nếu dương tính cũng không dám trăm phần trăm khẳng định tại chả lụa", bà Lan nêu quan điểm.

Bà chỉ ra đặc thù của chả lụa khi làm phải gia nhiệt và luộc rất lâu mới chín, khi tới giai đoạn thành phẩm, chắc chắn các bào tử botulinum không thể sống sót và đã bị triệt tiêu bởi nhiệt.

Nhưng sau đó, các cơ quan đặt nghi ngờ do hàng trôi nổi, hàng quá hạn. Theo lời bà Lan, lúc đó các nạn nhân cũng miêu tả chả lụa bị chảy nước, thậm chí cảm thấy có mùi ôi thiu nhưng vẫn ăn.

"Có thể trong quá trình đó các nạn nhân đã tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc, vì botulinum hiện diện ngay trong môi trường sống hàng ngày", bà Lan phân tích.

Từ vụ việc này, bà Lan khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, tránh mua về gói kín rồi để lâu hàng tuần vì việc đó tạo nguy cơ sản sinh ra vi khuẩn.

Lỡ mất ‘thời gian vàng’ giải độc botulinum, hai bệnh nhân đang diễn biến xấu

Sớm có dự trữ quốc gia các loại thuốc hiếm 

Vấn đề quan trọng hơn, theo bà Lan là khi những chuyện rủi ro như vụ ngộ độc nói trên xảy ra thì phải có thuốc để cấp cứu kịp thời. "Rất tiếc, vừa qua chúng ta không ở hoàn cảnh như vậy, vì thuốc chúng ta không có sẵn", bà Lan nói.

Theo lời bà Lan thì Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã rất chủ động cấp cứu cho nạn nhân, nhớ ra còn 2 lọ thuốc giải độc đang trữ tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam).

Khi 2 lọ thuốc giải độc vận chuyển từ Quảng Nam về, được chia cho cả 3 bệnh nhi, một em được truyền một lọ, hai em còn lại mỗi em được truyền nửa lọ. Diễn biến các bệnh nhi hiện đã khả quan hơn. Tuy nhiên, những trường hợp ngộ độc khác không được may mắn như vậy.

"Nếu có thuốc dự trữ sẵn đã có thể cứu được bệnh nhân, đây là chuyện rất đau buồn", bà Lan nói.

Từ đó, bà Lan cho rằng, để tránh trường hợp tương tự thì cần phải dự trữ quốc gia về các loại thuốc hiếm như thuốc giải độc botulinum.

Bà Lan đề xuất Bộ Y tế đứng ra làm đầu mối, tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng cả nước, đặt tại các kho chuyên biệt như ở Hà Nội, TP.HCM.

"Có thể chỉ cần dự trữ ở Hà Nội và TP.HCM thôi, khi xảy ra ở đâu ta sẽ điều chuyển thật gấp. Và ta phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu không có ai bị ngộ độc và không dùng đến thì mừng quá, hủy cũng không nên tiếc tiền", bà Lan nêu quan điểm.

Theo bà Lan, các bệnh viện rất khó đủ tiền để dự trữ, vì mấy nghìn USD một liều. Trong khi đó, việc dự trữ cấp độ quốc gia sẽ có nhiều thuận lợi hơn, ngay cả trong việc đàm phán, giá cũng sẽ rẻ hơn.

Từ ngày 13.5 đến nay, đã có 6 người ở TP.Thủ Đức bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo, một người nghi do ăn mắm. Trong đó, 3 em bé 10 - 14 tuổi may mắn được dùng thuốc giải độc và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM).

Những trường hợp còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì không còn thuốc giải độc. Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới đã tài trợ 6 lọ thuốc giải độc nhưng một bệnh nhân đã qua đời trước khi được truyền thuốc giải độc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.