Xét tuyển ĐH 2023: Không còn điểm chuẩn chạm trần

23/08/2023 06:05 GMT+7

Hôm qua (22.8), hầu hết các trường lớn đều đã công bố điểm chuẩn. Điểm đặc biệt của năm nay là không còn các mức điểm chuẩn chạm trần, kể cả những ngành khối C00. Việc này là nhờ cách tính điểm ưu tiên mới.

KHÔNG CÓ điểm chuẩn 30, "QUÁN QUÂN" NĂM NAY: 29,42 điểm

Với hàng loạt trường đã công bố điểm chuẩn, đến thời điểm này có thể tạm xác định "quán quân" điểm chuẩn phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc về ngành IT1 (khoa học máy tính), ĐH Bách khoa Hà Nội, với mức 29,42 điểm cho cả 2 tổ hợp A00 và A01. Năm ngoái, ngành IT1 không tuyển sinh theo phương thức này (mà chỉ sử dụng các phương thức xét tuyển tài năng, đánh giá tư duy).

Xét tuyển ĐH 2023: Không còn điểm chuẩn chạm trần  - Ảnh 1.

Ngày 22.8, hầu hết các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1

ĐÀO NGỌC THẠCH

Không chỉ ngành IT1, nhiều ngành khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm cao (từ 28 điểm trở lên) như IT-E10 (khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, chương trình tiên tiến) 28,8 điểm; IT2 (kỹ thuật máy tính) 28,29; IT-E7 (CNTT Global ICT, chương trình tiên tiến) 28,16; IT-E15 (an toàn không gian số, chương trình tiên tiến) 28,05…

Trong số các trường có điểm chuẩn cao, Trường ĐH Ngoại thương vẫn duy trì mức điểm chuẩn tương đương năm ngoái, với ngành cao nhất là 28,3 điểm khối A00 (năm ngoái 28,5 điểm). Tương tự, các ngành điểm chuẩn cao của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay cũng tương đương năm ngoái: SP sử khối C00 năm nay 28,42; giáo dục chính trị khối C00 năm nay 28,13; SP toán dạy bằng tiếng Anh năm nay A00 là 27,63, D01 27,43…

DO CÁCH TÍNH ĐIỂM ƯU TIÊN MỚI

Những năm trước, mỗi khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn, điểm chuẩn khối C ở một số trường lại gây "sốt", đặc biệt là với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm ngoái, trường tuyển sinh 31 ngành thì có đến 9 ngành điểm chuẩn khối C từ 29 điểm trở lên, trong đó 4 ngành gần đụng trần gồm: Đông Phương học, Hàn Quốc học, quan hệ công chúng (đều lấy 29,95 điểm), báo chí (29,9 điểm). Còn năm 2021, ngành Hàn Quốc học khối C của trường này có điểm chuẩn là 30. Tuy nhiên, năm nay tình trạng này không còn, thậm chí là còn "hạ nhiệt" so với điểm chuẩn các ngành A00, A01.

Bộ GD-ĐT nói về kết quả lọc ảo ?

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), kết quả bước đầu ghi nhận điểm trúng tuyển của các trường xét ở mặt bằng chung khá tương đồng với kết quả năm 2022. Đa số các trường ghi nhận tích cực về số lượng TS trúng tuyển với mức điểm chuẩn mà các trường đã xác định, căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu nguyện vọng của TS đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của TS khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo, tỷ lệ TS trúng tuyển có sự gia tăng tích cực đáng ghi nhận trên toàn hệ thống, đáng mừng đối với cả TS và các cơ sở đào tạo.

Kết quả trúng tuyển nhìn chung không có điểm chuẩn quá cao, do áp dụng việc tính điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh và do việc đã tối ưu hóa được lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho TS.

Năm nay, chỉ có 5 ngành khối C của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên. Trong đó, ngành "nóng" là quan hệ công chúng với 28,78 điểm. Tiếp theo là ngành Đông Phương học 28,5 điểm và báo chí 28,5 điểm; sau đó mới đến ngành Hàn Quốc học 28,25 điểm. Ngành thứ 5 là tâm lý học 28 điểm.

Dù điểm chuẩn giảm, vẫn phải hơn 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ngành báo chí

Tuy vậy, điểm chuẩn khối ngành khoa học xã hội vẫn ở mức cao, trong đó điểm chuẩn tổ hợp khối C00 (văn, sử, địa) cao vượt trội so với các tổ hợp còn lại. Chẳng hạn Trường ĐH Luật TP.HCM, điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển trong cùng 1 ngành luật chênh lệch nhau tới hơn 4 điểm. Theo đó, tổ hợp C00 lấy 27,11 điểm; trong khi đó, các tổ hợp xét tuyển khác thấp hơn nhiều: 24,11 (A00); 22,91 (A01); 23,61 (D01, D03, D06).

Sở dĩ có sự thay đổi này là do cách tính điểm ưu tiên mới. Theo quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT ban hành năm ngoái, từ năm nay, với những thí sinh (TS) đạt tổng điểm thi từ 22,5 điểm trở lên (tính theo thang điểm 30) thì điểm ưu tiên được tính lùi dần theo công thức: (30 - tổng điểm thi)/7,5 x điểm ưu tiên. Giả sử, một TS khu vực (KV) 1 (có điểm ưu tiên KV là 1,5) đạt 28,5 điểm thi, nếu trước đây điểm xét tuyển sẽ là 30 điểm thì năm nay chỉ còn 28,5 + 0,3 = 28,8 điểm.

Xét tuyển ĐH 2023: Không còn điểm chuẩn chạm trần - Ảnh 3.

Theo quy định, sau khi biết điểm chuẩn, nếu trúng tuyển, từ ngày 24.8 đến trước 17 giờ ngày 8.9, thí sinh thực hiện xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Nếu không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, các trường sẽ coi như thí sinh từ chối nhập học, loại khỏi danh sách trúng tuyển.

ĐÀO NGỌC THẠCH


NHIỀU BẤT NGỜ ĐIỂM CHUẨN CÁC TRƯỜNG TỐP ĐẦU

Năm nay, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM dành 30 - 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất trường là 28,05 (năm ngoái ngành này có mức điểm chuẩn cao nhất 28,2 điểm).

Ngược lại, một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học tự nhiên có điểm chuẩn tăng vọt so với năm 2022 như: sinh học, sinh học (chương trình chất lượng cao) tăng 4 - 4,5 điểm; hải dương học, nhóm ngành vật lý học, công nghệ vật lý điện tử và tin học tăng 2 điểm.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết xu hướng chung của điểm chuẩn các ngành là giảm nhẹ so với năm ngoái (chỉ 7 ngành có điểm chuẩn tăng nhẹ). Bên cạnh đó, khoảng cách điểm chuẩn ngành cao nhất và ngành thấp nhất của trường rút ngắn hơn. Lý do sự thay đổi này một phần do thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong tuyển sinh", thạc sĩ Tiến phân tích.

Tương tự, dù có 2 ngành TS cần đạt từ trung bình 9 điểm/môn mới trúng tuyển nhưng điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng giảm so với năm trước.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trường ĐH Tài chính - Marketing. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường này, cho biết điểm chuẩn năm nay giảm nhẹ từ 0,2 đến 1 điểm ở một số ngành. Trong khi đó, các ngành thuộc khối du lịch tăng từ 0,4 đến 1 điểm. Riêng chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần điểm chuẩn cả 3 ngành đều tăng 0,3 đến 1,5 điểm.

Điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dao động từ 22,49 - 27,2 điểm. Tuy nhiên, so với năm 2022, điểm chuẩn các ngành tốp đầu của trường đều hạ nhiệt. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.