Xét tuyển ngành y bằng môn văn: Bộ GD-ĐT sẽ rà soát phương thức tuyển sinh

Quý Hiên
Quý Hiên
28/05/2023 14:09 GMT+7

Liên quan việc một số trường xét tuyển ngành y bằng môn văn, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sắp tới bộ này sẽ tiến hành rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, cần thiết sẽ yêu cầu các trường giải trình các vấn đề xã hội quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc xét tuyển ngành y bằng môn văn

Các góc nhìn quan trọng với cơ quan hoạch định chính sách

Trao đổi với báo chí ngày 28.5, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận, trong cuộc bàn luận về môn văn trong tổ hợp tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục, các chuyên gia, các trường đào tạo về y khoa đã lên tiếng trong vấn đề chuyên môn này là rất quan trọng, là tín hiệu rất tích cực.

Xét tuyển ngành y bằng môn văn: Bộ GD-ĐT sẽ rà soát phương thức tuyển sinh - Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, cần thiết sẽ yêu cầu các trường giải trình những vấn đề xã hội quan tâm.

NGỌC DƯƠNG

Theo bà Thủy, các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, từ các chuyên gia… và ngược lại, các trường cũng trao đổi, giải trình với xã hội, với thí sinh, với cơ quan quản lý nhà nước… đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình. Các ý kiến nói trên là các góc nhìn rất quan trọng đối với các cơ quan hoạch định chính sách. Bộ GD-ĐT luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Bà Thủy cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Y tế trong vấn đề này khi Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe.

Về vai trò của Bộ GD-ĐT, ngày 22.6.2021, bộ này đã ban hành Thông tư số 17 quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Trong đó đã quy định rõ chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành ở từng lĩnh vực (như lĩnh vực/khối ngành sức khỏe do Bộ Y tế chủ trì xây dựng) phải bao gồm không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.

Bà Thủy nhấn mạnh, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.

Khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.

Đầu vào quá thấp sẽ ảnh hưởng uy tín, chất lượng

Bà Thủy khẳng định, chuẩn chương trình đào tạo là rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành đào tạo cụ thể; khi xây dựng chuẩn này phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn.

Bên cạnh đó, cũng cần có tham khảo, đối sánh với mô hình, chuẩn hoặc tiêu chuẩn đối với các chương trình đào tạo của các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Cũng theo bà Thủy, Bộ GD-ĐT cũng đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.

Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

"Suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học", bà Thủy nhấn mạnh, cho rằng, các kênh thông tin và các hệ quả lâu dài dự báo sẽ có tác dụng tích cực, giúp các trường tự điều chỉnh, hoàn thiện.

Bà Thủy cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, những ngày qua dư luận xôn xao về việc một số trường ĐH đưa các tổ hợp có môn văn vào tuyển sinh ngành y khoa. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh - đào tạo ĐH nói chung, ngành y nói riêng, cho rằng đó là tổ hợp "lạ" đối với tuyển sinh ngành y, đồng thời lo ngại nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.