Xử lý hình sự nếu gian dối trong sửa chữa học bạ, hồ sơ thí sinh

02/06/2020 08:18 GMT+7

Dự thảo quy chế nêu rõ sẽ buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi: gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh...

Theo thông tin của Thanh Niên, dự kiến trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chính thức quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2020 và hướng dẫn tổ chức kỳ thi này.
Quy chế này quy định cụ thể về việc phân công giám thị coi thi. Theo đó, cán bộ coi thi là giáo viên trường phổ thông hoặc trường THCS trên địa bàn tỉnh nhưng 2 giáo viên ở mỗi phòng thi phải ở 2 trường khác nhau.
Theo dự thảo quy chế, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.
Cụ thể, mức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với những người vi phạm như: để cho thí sinh quay cóp và mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây: ra đề thi sai; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.
Dự thảo quy chế cũng nêu rõ sẽ buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi: đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Đáng chú ý, công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như: thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc...
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết trong một cuộc họp mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã yêu cầu công tác tổ chức kỳ thi phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương.
Ông Nhạ cũng yêu cầu sớm hoàn thiện danh sách ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong tháng 6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ họp trực tuyến với Ban chỉ đạo các địa phương để thống nhất các công việc liên quan trong tổ chức kỳ thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.