Yêu như ví, giặm quê mình

21/07/2020 08:00 GMT+7

“Ơ… chơ muối ba năm muối đương còn mặn Gừng chín tháng cay vẫn còn cay Đôi ta tình nặng nghĩa dày Dù có xa nhau đi chăng nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa…”

Mỗi đứa trẻ xứ Nghệ sinh ra, lớn lên đều được đắm hồn mình bên chiếc nôi êm, thuộc nằm lòng trong tiềm thức những khúc hát nghĩa tình như thế. Mà đâu chỉ là ru con, mẹ hát để ru lòng mình, để tự nhắc nhớ về một nét đẹp trong cách sống tình cảm của quê hương.
Như con người xứ Nghệ, ví, giặm quê mình cũng quen “chặt to kho mặn” dẫu đó là lời nói yêu thương. Không duyên dáng, mềm mại như quan họ xứ Bắc; chẳng ngọt ngào, mùi mẫn như đờn ca tài tử phương Nam; cũng không có sự tha thiết, sang trọng như nhã nhạc cung đình Huế; ví, giặm mộc mạc, chân chất, có phần thô và thật trong từng làn điệu luyến láy, ngân nga. Tính cách người Nghệ, như học giả Đặng Thai Mai, người con quê Thanh Chương, đã nhận xét với câu nói nổi tiếng: "Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến "cá gỗ”. Chính những nét tính cách điển hình ấy cộng với thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt “Mùa đông trời buốt giá. Mùa hạ nắng cháy da. Ruộng đồng khô nứt nẻ. Mưa đi không kịp về…” (Thương về xứ Nghệ) đã thổi hồn vía vào trong điệu hát quê hương.
Xứ Nghệ (bao hàm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) là nơi sản sinh ra làn điệu dân ca ví, giặm da diết, sâu lắng nghĩa tình, với ca từ nồng nàn và giai điệu thấm sâu khiến cho ai dù chỉ mới nghe thôi cũng muốn tìm về. Từ khi ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại (2014), nó lại càng thêm lan tỏa trong đời sống cộng đồng xứ Nghệ. Là loại hình nghệ thuật diễn xướng phổ biến trong mọi hoạt động của đời sống thường nhật, diễn tả mọi cung bậc tâm tư tình cảm của con người nơi đây; ví, giặm luôn hướng con người tìm về với những giá trị nhân bản nhất.

Những câu hát giao duyên ví, giặm biểu thị một tình cảm gần gũi, thân thiết như bật ra từ gốc lúa, bờ tre mà càng khắc khổ gập ghềnh lại càng sâu lắng trữ tình

Ảnh: Khánh Hoan

Khác với quan họ các liền anh, liền chị không thể lấy nhau thì ví, giặm lại là ông tơ, bà nguyệt làm nhịp cầu kết nối se duyên cho bao đôi lứa nên nghĩa vợ chồng. Không gian diễn xướng linh hoạt trong từng hoàn cảnh; lời ca không chỉ là lề lối sẵn có mà đầy sự ứng tác trong mỗi canh hát; chính vì thế mà người hát dễ thấu cảm hoàn cảnh của nhau, nhận ra tâm tư của nhau trong từng lời ví để rồi gắn bó mặn nồng như muối mặn gừng cay.
Cũng như các loại hình dân ca khác là những sáng tác dân gian tổng hợp: lời nhạc, động tác, không gian diễn xướng, ví, giặm thể hiện trí tuệ, phẩm chất, tinh hoa trong tư duy, lối sống, tình cảm, phong tục tập quán. Có làn điệu bày tỏ tình cảm gia đình, quê hương; có làn điệu miên man thế sự; có làn điệu thăm thẳm nỗi niềm; nhưng ngân vang, lắng đọng hồn người bởi nét dung dị trữ tình mà gợi nhớ neo đậu một hồn quê sâu thẳm nhất chính là những khúc hát giao duyên.
Người Nghệ ngông, gàn nhưng lại được nhiều người quý mến vì họ cũng là người sống thẳng thắn, khẳng khái. Trong lời yêu cũng thẳng thừng như thế. Đã yêu là không ghét; đã ghét là không thèm nhìn mặt nhau, không có chuyện lưỡng lự nước đôi “Chơ… đã thương thì thương cho chắc/ Mà đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng, mà khi buồn thì bỏ đi” (Ví giận thương). Một khi nhờ câu hát mà tình yêu đong đầy thì đồng nghĩa là gừng cay muối mặn “Một lời thề không duyên thì nợ/ Mà hai lời thề không vợ thì chồng/ Mà ba lời thề khơi núi ngăn sông/ Em quyết theo anh cho trọn đạo, kẻo luống công anh đợi chờ”. Tất nhiên, vì hoàn cảnh hoặc một lý do nào đó mà không thành tình nghĩa vợ chồng thì sự tiếc nuối, trách hờn cũng rất nhẹ nhàng “Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông/ Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng/ Hỏi em yêu anh như rứa, có mặn nồng hay chưa?” (Ví ghẹo)...
Lời yêu qua câu hát được thể hiện không chỉ bằng những từ ngữ trau chuốt, mượt mà, ý nhị như: “Hồng sơn cao ngất mấy trùng/ Lam giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu” (Nhắn bạn - Hát phường vải) mà còn giàu hình ảnh, mang tính biểu trưng cao, rất “thơ”, chẳng hạn: “Đá có rêu bởi vì nước đứng/ Núi bạc đầu là tại sương sa/ Ra về dặn nước dặn non/ Dặn rằng một chữ vuông tròn phu thê” (Hát phường vải)…
Những câu hát giao duyên ví, giặm biểu thị một tình cảm gần gũi, thân thiết như bật ra từ gốc lúa, bờ tre mà càng khắc khổ gập ghềnh lại càng sâu lắng trữ tình. Những lời yêu thương ấy sẽ còn được bao thế hệ mai sau giữ gìn, như mạch nguồn văn hóa quê hương sẽ chảy mãi. Từ tình yêu đôi lứa để đi đến tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, người Nghệ luôn dặn lòng“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.