Yêu thương hạnh phúc quay về

Lê Trung Cường
Hải Phòng
21/05/2024 09:00 GMT+7

Hiện nay, gõ cái tên Đỗ Hà Cừ vào Google sẽ cho ra rất nhiều kết quả từ những trang báo có uy tín. Như vậy là em đã vượt qua được ô cửa sổ căn nhà của mình.

Trước khi gặp Đỗ Hà Cừ, tôi tưởng tượng em là một chàng trai có cơ thể tròn đầy, chỉ riêng đôi chân yếu thôi. Đó là hình ảnh của nhiều người trên xe lăn mà tôi đã gặp. Phải như vậy thì em mới quản lý được thư viện tới hơn 4.000 đầu sách và câu lạc bộ Không gian đọc Hy Vọng có 32 tủ sách thành viên (vào năm 2023). 

Đỗ Hà Cừ đọc sách

Đỗ Hà Cừ đọc sách

TGCC

Muốn góp sách của mình vào Không gian đọc Hy Vọng, đầu năm 2020, tôi đã tới thăm Cừ tại gia đình. Nghe giọng nói ngọng nghịu của em, sờ tay lên cơ thể teo tóp chỉ bằng đứa trẻ khoảng 10 tuổi, tôi rất ngạc nhiên, đôi tay em cũng không tuân theo sự chỉ huy của bộ não, trên chiếc xe lăn luôn phải có sợi dây an toàn, thế mà Cừ vẫn quản lý được thư viện và tạo nguồn hỗ trợ sách cho tủ sách của những người khuyết tật ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Được biết, thuở nhỏ, để tạo niềm vui cho con, người mẹ của Cừ đã dạy con học chữ theo cách rất đặc biệt. Người mẹ đọc thơ lục bát cho Cừ nghe để dạy con học thuộc. Mỗi ngày, trước khi đi làm bà viết một chữ cái lên chiếc ghế đẩu. Con thuộc mặt chữ cái, người mẹ viết vần và nhờ những câu thơ có chứa vần ấy mà Cừ đã thuộc. Người mẹ cho Cừ học theo đứa em trai. Bà đặt con nằm bên bàn học của em, dạy cùng lúc hai đứa. Bà chọn những phần phù hợp dạy cho đứa con tật nguyền. Vốn là đứa trẻ sáng dạ, Cừ tiếp thu bài học rất nhanh.

"Có công mài sắt có ngày nên kim". Khổ luyện mãi, một ngón tay của Cừ cũng chịu làm theo chỉ đạo của tư duy. Đối với gia đình, việc Cừ tự đọc được sách là hạnh phúc lắm rồi. Từ đó em có niềm vui khi cha mẹ vắng nhà. Đọc được sách, Cừ càng thêm yêu cuộc sống. Biết Cừ yêu sách các gia đình trong khu phố và cả đồng nghiệp của bố mẹ thường xuyên gửi sách tới cho. Người mẹ trước khi đi làm luôn đặt con ở tư thế phù hợp, chèn sao cho Cừ không xê dịch ra chỗ khác rồi kê chiếc bàn nhỏ đặt cuốn sách lên sao cho ngón tay duy nhất còn làm theo chỉ đạo của Cừ lật được trang sách. Hiện nay việc đó vẫn còn tiếp diễn mỗi ngày.

Tác gả Lê Trung Cường (là người khiếm thị) tặng sách cho Không gian đọc Hy Vọng

Tác giả Lê Trung Cường (là người khiếm thị) tặng sách cho Không gian đọc Hy Vọng

TGCC

Bà Nguyễn Kim Sơn, mẹ của Cừ, chia sẻ với giọng đượm buồn: "Còn nước còn tát, bệnh viện này bó tay chúng tôi lại tìm đến bệnh viện khác. Đức Phật dạy rất đúng: 'Nghiệp đến, sẵn sàng trả nghiệp thì nghiệp sẽ nhẹ đi'. Vợ chồng tôi tìm đủ mọi cách cho con có được đời sống tinh thần vui vẻ. Khi nhận ra được thiệt thòi của bản thân mình, Cừ buồn lắm. Con có được niềm vui với những trang sách thì vợ chồng tôi lại lâm vào nỗi lo mới. Sau này Cừ sẽ làm gì để sống? Em trai nó rất thương anh nhưng nếu phải lo mọi mặt thì nặng gánh quá! Năm 2000, nhà nước có chính sách trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân da cam, chúng tôi rất vui...".

Đỗ Hà Cừ bị khuyết tật là do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố. Bố em là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm 1972 - 1973. Lạc quan, luôn tin vào lời dạy của Đức Phật là điều tôi cảm nhận được từ gia đình của Đỗ Hà Cừ. Chính niềm tin ấy đã giúp em vượt lên được bản thân mình: "Cộng đồng còn có nhiều người tốt lắm anh ạ! Anh cứ để sách ở đây mấy hôm nữa em sẽ nhờ người đóng thùng cùng với nhiều sách khác rồi gửi đến các tủ sách thành viên. Quản lý các tủ sách phần lớn là người khuyết tật. Chúng em lập nhóm trên Facebook và trên Zalo để chia sẻ thông tin cho nhau".

Yêu thương hạnh phúc quay về- Ảnh 3.

Đồ Hà Cừ với bạn đọc

NVCC

Hai hôm sau ngày tôi tới thăm Cừ thì nhận ngay được cảm nhận về cuốn sách Trong mắt trái tim, em chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Nghe phần mềm đọc màn hình thuật lại, tôi đã rơi nước mắt. Một người chưa từng được đến trường mà có cảm nhận rất tinh tế về cuốn sách của tôi. Ngoài Cừ, trên con đường trải nghiệm cuộc sống tôi đã gặp nhiều bạn bị khuyết tật như Cừ. Mặc dù mỗi em có một khả năng đặc biệt khác nhau, người dùng điện thoại thông minh bằng lưỡi, người dùng điện thoại bằng môi, bạn điều khiển xe lăn bằng miệng… nhưng chỉ có một mình Cừ là dùng được máy vi tính và quản lý câu lạc bộ Không gian đọc Hy Vọng, tới 32 tủ sách thành viên. Ứng dụng hỗ trợ bàn phím ảo (On-Screen Keyboard) sẵn có trong các hệ điều hành Windows đã giúp Cừ làm được những việc mà với người khuyết tật như em ngày xưa là không tưởng.

Thầy dạy máy tính cho Cừ lại chính là người mẹ và em trai. Di chuột là một việc làm rất đơn giản với người bình thường nhưng lại rất khó với Cừ. Mẹ em phải đặt và kê làm sao cho cánh tay có ngón còn tuân theo chỉ huy của bộ não cử động được trên tấm bảng đặt con chuột. Khi điều khiển được con trỏ chạy theo ý mình, Cừ bắt đầu tập viết. Mơ ước tự viết lên những dòng chữ bao năm nay đã thành hiện thực. Chú em trai là một thanh niên cứng cỏi mà cũng phải khóc khi lần đầu tiên chứng kiến người anh tật nguyền viết được 3 chữ: Nguyễn Kim Sơn - tên của người mẹ thân yêu.

Từ ngày ấy, những bức thư điện tử được gửi đi khắp mọi nơi và những thùng sách được gửi về. Cừ liên lạc với các bạn khuyết tật, động viên hỗ trợ họ mở tủ sách cộng đồng để tạo niềm vui cho mình và góp phần nhỏ vào việc phục hồi văn hóa đọc. Năm 2018, Đỗ Hà Cừ là một trong 20 thủ lĩnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Năm 2019, Không gian đọc Hy Vọng của Đỗ Hà Cừ đạt Giải thưởng Văn hóa đọc của Bộ VH-TT-DL; tháng 2.2020, Đỗ Hà Cừ là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia của năm 2019. Mặc dù đi xa là rất khó khăn nhưng để có thêm niềm vui cho con, lần nhận khen thưởng nào người mẹ thân yêu cũng giúp Cừ đi tới tận nơi.

Dịp trung thu năm 2023, tôi mang 64 cuốn sách mới xuất bản của mình về Không gian đọc Hy Vọng tặng cho Cừ và các tủ sách thành viên. Hôm đó, Cừ tổ chức Tết Trung thu cho các em thiếu nhi trong khu phố. Em đã mời tôi giao lưu với bạn đọc của thư viện mình. Vận động tài trợ, kế hoạch giao lưu, phân công công việc đều do Cừ lập ra từ chiếc máy tính (vào các dịp xuân mới, ngày Quốc tế thiếu nhi hay Tết Trung thu, Không gian đọc Hy Vọng đều tổ chức vui chơi cho các em thiếu nhi trong khu phố). 

Đỗ Hà Cừ nhận bằng khen bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Đỗ Hà Cừ nhận bằng khen bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

NVCC

Trong buổi giao lưu ấy, tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường tiểu học Kỳ Bá, TP.Thái Bình. Chị Hà cho tôi biết Cừ là người có năng khiếu tổ chức. Chị rất khâm phục khả năng làm việc tư duy của Cừ. Một người lo bằng kho người làm. Những gì Cừ phác thảo ra từ trí thông minh của mình sẽ được gia đình và các bác trong Hội Phụ nữ của tổ dân phố P.Trần Lãm và các bạn tình nguyện viên cùng với nhà hảo tâm hỗ trợ thực hiện. Hạnh phúc rất nhiều khi tôi được làm người bạn của Cừ...

Yêu thương hạnh phúc quay về- Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.