'Băm nát' không gian thoát lũ sông Hồng: Sai phạm nghiêm trọng, sao không xử lý?

Sau khi Thanh Niên đăng bài "Băm nát" không gian thoát lũ sông Hồng, cơ quan quản lý thừa nhận nếu các vụ việc gia tăng với mức độ nghiêm trọng thì hệ thống đê sẽ không chống đỡ được mưa lũ.

Các chuyên gia đề nghị xử lý nghiêm các sai phạm này, đặc biệt làm rõ trách nhiệm khi nhiều công trình đã tồn tại hàng chục năm, "giữa thanh thiên bạch nhật" mà sao không ai xử lý.

Đê sẽ không chống đỡ được mưa lũ

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), cho biết tình trạng vi phạm đê điều ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở TP.Hà Nội. Theo số liệu thống kê, những năm gần đây, tổng số vụ vi phạm có xu hướng giảm. Nhưng do kết quả xử lý hạn chế nên tồn đọng theo ngày tháng lại cộng dồn lên, tăng lũy kế. Đặc biệt, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, tổng số vụ vi phạm ở Hà Nội là 458, đã xử lý 76 vụ, tồn đọng 382 vụ (83,4%). Trong 10 tháng năm 2023, Hà Nội xảy ra 43 vụ nhưng chỉ xử lý được 5 trường hợp, còn tồn đọng 38 vụ.

 Sai phạm nghiêm trọng, sao không xử lý ? - Ảnh 1.

Ông Trần Công Tuyên

"Ngày xưa các công trình xây dựng vi phạm ở bờ bãi sông rất ít, quy mô nhỏ lẻ. Còn bây giờ, dọc tuyến sông Hồng là tình trạng xây dựng nhà xưởng quy mô lớn. Ví dụ tại H.Thường Tín có nhà xưởng rất to, rộng cả nghìn mét vuông… Rồi các bến bãi vật liệu, và đặc biệt là tình trạng đổ phế thải, trạc thải lấn chiếm bờ bãi sông ở Hà Nội", ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, vai trò bảo vệ, giữ không gian thoát lũ, chứa lũ sông Hồng, đặc biệt là với Hà Nội và các địa phương là vô cùng quan trọng, cần thiết. Nếu không xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, làm co hẹp không gian thoát lũ, chứa lũ gây ra nhiều hệ quả. Trong đó, nếu khai thác sử dụng triệt để các bãi sông, thì lòng dẫn sẽ làm gia tăng mực nước, kéo theo hệ thống đê sẽ không chống đỡ được mưa lũ.

 Sai phạm nghiêm trọng, sao không xử lý ? - Ảnh 2.

Dãy nhà xưởng trên địa bàn xã Hồng Vân (H.Thường Tín)

Đình Huy

Hiện theo quy hoạch, hệ thống đê sẽ phải được tu bổ nâng cấp để đảm bảo theo tiêu chuẩn phòng chống lũ. Cụ thể với Hà Nội đang phải đảm bảo chống lũ 500 năm xảy ra 1 lần (tần suất 0,2%). Ngoài ra, quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi mà Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt trong năm 2023 thì tiếp tục xem xét đến năm 2050 phải nâng mức đảm bảo an toàn chống được lũ 700 năm xảy ra 1 lần. Như vậy, yêu cầu đặt ra cho công tác phòng, chống lũ ngày càng cao hơn, đảm bảo an toàn trước những con lũ lớn hơn.

"Trong khi xu hướng phải nâng mức phòng chống lũ lên cao hơn mà không quản lý tốt không gian thoát lũ, chứa lũ thì khi xảy ra những con lũ thiết kế thì sẽ làm gia tăng mực nước vì lòng dẫn bị bó hẹp. Như ở Hà Nội, hệ thống đê đang chống mực nước thiết kế 13,4 m. Khi không gian thoát lũ, chứa lũ bị thu hẹp thì mực nước sẽ gia tăng. Như vậy sẽ vượt khả năng chống đỡ và có nguy cơ gây vỡ đê", ông Tuyên phân tích.

Lý giải về việc những vi phạm xuất hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Trưởng phòng Quản lý đê điều cho biết ý thức chấp hành pháp luật về đê điều của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Một số doanh nghiệp vì lợi ích đã cố tình vi phạm pháp luật để xây dựng công trình, nhà ở, lấp lạch sông Hồng, kinh doanh trái phép bãi sông. Đặc biệt, nhiều nơi chính quyền còn có biểu hiện ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm việc giải quyết các vi phạm.

"Khi mình xây dựng đổ một xe cát xây công trình là có người vào xử lý rồi. Vậy tại sao các công trình xây dựng trong không gian chứa lũ, thoát lũ sông Hồng mà lại bảo không biết", ông Tuyên trăn trở và dẫn chứng: "Hậu quả của việc vỡ đê khi quy đổi sang giá trị kinh tế là rất lớn. Ví dụ vỡ đê khiến khu công nghiệp ngập lụt khoảng 1 tuần thì thiệt hại lên tới hàng tỉ USD".

Dự kiến lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra

Chia sẻ về giải pháp đảm bảo an toàn không gian thoát lũ đê sông Hồng, ông Tuyên cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, để quản lý tốt bãi sông, lòng sông và phạm vi bảo vệ đê điều thì khi lập quy hoạch chung, các địa phương cần xác định khu vực trong phạm vi không gian thoát lũ, chứa lũ. Định vị lại chỗ nào là dân cư hiện có để khoanh vùng rồi cho phép tồn tại, bảo vệ. Chỗ nào là khu vực được phù hợp với quy hoạch cấp trên của cả hệ thống thì phải xác định rõ để có cơ sở quản lý. Từ đó làm cơ sở cho các dự án triển khai. Có như vậy sẽ vừa quản lý được, vừa phát triển kinh tế - xã hội được.

‘Băm nát’ không gian thoát lũ sông Hồng: Phép nước có thua lệ làng? | Xem nhanh 20h

"Hằng năm, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đều xây dựng kế hoạch, báo cáo Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công an thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình vi phạm pháp luật về đê điều. Năm 2023 - 2024, Bộ dự kiến thành lập đoàn thanh tra liên ngành tại Hà Nội và 3 địa phương khác", ông Tuyên chia sẻ thêm.

Ngoài ra, đối với Hà Nội cần phải tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý có trọng tâm, trọng điểm. Đi kèm đó là tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức và cảnh báo, răn đe tới các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt là chính quyền các địa phương cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm, kiên quyết xử lý triệt để vi phạm ngay từ đầu và gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp khi để vi phạm xảy ra.

Đối với các trường hợp kiên quyết chống đối, gây hậu quả nghiêm trọng cần được xử lý hình sự theo điều 238 về tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.

Vi phạm nghiêm trọng này đã báo cáo Thủ tướng chưa ?

Liên quan đến vấn đề vi phạm không gian thoát lũ sông Hồng, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đặt câu hỏi tình trạng vi phạm không gian thoát lũ này đã được báo cáo lên T.Ư và Thủ tướng chưa. "Việc xây dựng trái phép trên không gian thoát lũ sông Hồng cần phải dẹp bỏ để tránh tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro sau này. Nếu cá nhân, tập thể không tự nguyện dỡ bỏ, buộc phải dùng biện pháp là cưỡng chế và xử phạt", ông Hồng nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn chứng lại "vụ án đê Yên Phụ" năm 1995. Thời điểm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo quyết liệt phá bỏ hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ, Tứ Liên (Q.Tây Hồ ngày nay). Vụ án này còn khiến Thứ trưởng thường trực Bộ Thủy lợi bị kỷ luật, Cục trưởng Đê điều và Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Nội đều mất chức và bị bắt giam hơn 70 ngày... "Thủ tướng Chính phủ là người có quyết định cao nhất đối với vấn đề này, Bộ NN-PTNT cần trình lên Thủ tướng để có những quyết định cao hơn. Thậm chí, phải kỷ luật, làm mạnh tay để ngăn chặn tình trạng này", ông Hồng nói thêm.

Hà Nội xin lắp trạm trộn bê tông ở bãi sông Hồng

Trong bối cảnh không gian chứa lũ, thoát lũ sông Hồng vẫn tiếp tục bị "băm nát", chưa xử lý dứt điểm các vi phạm cũ thì mới đây, Sở NN-PTNT Hà Nội lại có văn bản xin ý kiến về việc lắp trạm trộn bê tông ở bãi sông. Trước kiến nghị này, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết trạm trộn bê tông là một dạng công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng phê duyệt. Việc cấp giấy phép phải thực hiện theo luật Đê điều. Do đó, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội rà soát hiện trạng các công trình xây dựng trên bãi sông, trong đó bao gồm các trạm trộn bê tông và tham mưu cho UBND TP chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.